Ngoài 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT đã bổ sung một số loại hàng hoá và dịch vụ vào diện không chịu thuế GTGT, bao gồm: bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; bảo hiểm cho ngư dân; hoạt động bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam để góp phần thực hiện đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
Việc được bổ sung vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN, nhất là trong bối cảnh những khó khăn về kinh tế được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trong những năm tới. Đơn cử, việc đưa các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản, cũng như bảo hiểm cho ngư dân, vào diện không chịu thuế GTGT, sẽ giúp các DN bảo hiểm có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ người dân hạn chế rủi ro để đẩy mạnh hoạt động SXKD, từ đó có thêm động lực bám biển. Việc bổ sung phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học vào đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ tạo thuận lợi, khuyến khích DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT đã chuyển đổi căn cứ để xác định hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp từ tiêu thức thu nhập so với mức tiền lương tối thiểu sang tiêu thức doanh thu. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Quy định này được bổ sung không chỉ để đảm bảo sự ổn định hơn của chính sách so với quy định theo mức lương tối thiểu chung như hiện hành, khắc phục sự phức tạp trong quá trình thực hiện, do phải xác định thu nhập của các cá nhân kinh doanh, mà quan trọng hơn là sẽ tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế trong việc thực thi pháp luật về thuế GTGT.
Sửa đổi nhiều quy định gây khó cho DN Nếu trước đây, Luật Thuế GTGT chỉ quy định chung là hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, dẫn đến nhiều vướng mắc trong việc tính thuế GTGT đầu ra và kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài, hay hoạt động mua bán hàng hoá trong khu phi thuế quan nhưng có địa điểm giao nhận ở ngoài Việt Nam, thì nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT đã quy định áp dụng thuế suất 0% cho cả hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Với quy định mới được thiết kế cụ thể, minh bạch hoá hơn, những vướng mắc bấy lâu gây khó cho DN sẽ được khắc phục, tạo điều kiện để DN chuyên tâm cho các hoạt động phát triển SXKD.
Liên quan đến các quy định về khấu trừ thuế, cùng với việc bỏ quy định khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT đã bãi bỏ việc khống chế thời hạn (hiện đang quy định là 6 tháng) kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn điều chỉnh bổ sung trong trường hợp có sai sót, chỉ miễn là DN thực hiện trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế. Các quy định này không chỉ để phù hợp và tương thích với quy định pháp luật về quản lý thuế, mà quan trọng hơn sẽ góp phần xử lý các vướng mắc trong hoàn thuế GTGT hiện nay, đồng thời sẽ đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho DN.
Áp dụng ngưỡng nộp thuế GTGT Được đánh giá là nội dung sửa đổi có tính chất căn bản của Luật Thuế GTGT lần này, việc đưa quy định mới về ngưỡng doanh thu nộp thuế nhằm đơn giản hoá thủ tục và tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế, đồng thời chống gian lận thuế. Theo đó, ngưỡng doanh thu nộp thuế GTGT được luật quy định là 1 tỷ đồng (1.000.000.000 đồng). Cụ thể, cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hàng năm dưới 1 tỷ đồng, (trừ hộ, cá nhân kinh doanh và trừ trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ) sẽ nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, với số thuế phải nộp bằng (=) Tỷ lệ % nhân (x) Doanh thu.
Theo đó, tỷ lệ thu được phân biệt theo 4 loại ngành nghề: Phân phối, cung cấp hàng hoá áp mức 1%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu áp mức 5%; Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu áp mức 3% và các hoạt động kinh doanh khác là 2%.
So với quy định hiện hành áp dụng tỷ lệ GTGT và tỷ lệ thu nhập cá nhân với 6 nhóm ngành tỷ lệ theo 5 khu vực và mỗi tỉnh đều có biểu tỷ lệ áp dụng riêng, tổng cộng trên cả nước có hơn 600 tỷ lệ thuế khác nhau, thì rõ ràng việc áp dụng quy định về ngưỡng doanh thu tính thuế với chỉ 4 tỷ lệ sẽ tạo điều kiện cho người nộp thuế nhỏ (bao gồm DN nhỏ, siêu nhỏ, đơn vị sự nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh) tiết giảm rất nhiều chi phí tuân thủ, đồng thời đảm bảo tính rõ ràng, đơn giản trong thực thi pháp luật thuế.
Theo tapchithue.com.vn