Sản xuất cát nhân tạo tại Công ty CP Thiên Nam.
Thời gian qua, công tác quản lý khoáng sản để làm vật liệu xây dựng trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, tiêu thụ đất, đá, cát, sỏi… trái phép đã được kiểm soát toàn diện; không phát sinh mới các dự án kinh tế - xã hội trá hình để khai thác khoáng sản. Các địa phương phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Trong 5 năm (2014 - 2018), các cơ quan chức năng đã phát hiện 831 vụ vi phạm, tịch thu trên 174.000m3 cát, 557m3 đá, 69m3 đất sét, xử phạt vi phạm hành chính gần 15.600 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi động, kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng có xu hướng tăng đột biến. Trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản này ngày càng khan hiếm, lợi nhuận mang lại cao, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tái diễn khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh khoáng sản trái phép.
Theo Sở TN&MT, gần đây trên địa bàn nổi lên hiện tượng các chủ đầu tư công trình vì yêu cầu tiến độ và lợi nhuận…, đã ký hợp đồng tiêu thụ đất, cát san lấp của một số đơn vị cung cấp không có nguồn gốc hợp pháp, hoặc một số đơn vị chưa có đủ thủ tục pháp lý, nhưng đã tiến hành khai thác. Tình trạng này vừa vô tình tiếp tay cho các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vừa gây thất thu thuế, phí cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Nhằm tiếp tục giữ vững trật tự, kỷ cương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho các nhà đầu tư trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp để quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và kinh doanh cát, đá, sỏi… trên địa bàn.
Ngày 13/7/2018, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND "Về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Ngày 5/4/2019, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1160/QĐ-UBND, ngày 6/5/2014). Theo đó, Quy hoạch sẽ điều chỉnh các nội dung: Không khuyến khích thăm dò, khai thác khoáng sản đá, cát; thu hẹp dần, tiến tới hạn chế và chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản đá, sét, cát trên địa bàn toàn tỉnh. Về khai thác sét: Công tác thăm dò, khai thác gắn với quy hoạch phát triển vật liệu, các nhà máy chế biến, gắn với công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, đảm bảo môi trường; điều chỉnh bổ sung các mỏ sét cho các cơ sở đã có nhà máy sản xuất sản phẩm tuynel, sản phẩm mỏng. Sẽ thực hiện thu hẹp dần và tiến tới hạn chế tối thiểu hoạt động khai thác khoáng sản đá, sét, cát trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2018 - 2020 thực hiện đóng cửa một số mỏ đá ảnh hưởng đến các khu vực được định hướng phát triển dịch vụ du lịch cao cấp. Giai đoạn từ năm 2020 - 2025 sẽ đóng cửa toàn bộ các mỏ đá, chấm dứt khai thác đá. Đối với cát xây dựng sẽ đưa ra khỏi quy hoạch mỏ cát phân bố đan xen với khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực ven sông…
Song song với đó, việc cấp phép hoạt động khoáng sản phải tuân thủ các quy định. Tỉnh chỉ xem xét cấp phép đối với các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, gắn khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, ưu tiên, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng khoáng sản không truyền thống để sản xuất cát xây dựng nhằm giải quyết nguồn thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn tỉnh, như: Tận dụng nguồn đá vụn trong chế biến đá xây dựng; sử dụng cát sỏi khu vực miền Đông của tỉnh để nghiền làm cát xây dựng; tận dụng nguồn cát kết, đá thải các mỏ than để nghiền, sàng, rửa thành cát xây dựng.
Tỉnh chủ trương chỉ cấp mỏ đất cho các dự án có thời hạn, không cấp cho nhà cung cấp, thi công; gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với nguồn đất san lấp, thi công; rà soát các dự án có hoạt động bốc xúc, vận chuyển đất đá, không để thất thoát ngân sách.
Công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu cực được đẩy mạnh. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; phối hợp với các ngành chức năng mở đợt ra quân tổng kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; giải tỏa toàn bộ những điểm khai thác, tập kết, tiêu thụ trái phép. Nhiều địa phương đã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đối với nguồn khoáng sản chưa khai thác, các địa phương cũng xây dựng phương án để bảo vệ hiệu quả; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Với sự quyết liệt, đồng bộ trong triển khai các giải pháp đã góp phần kiểm soát toàn diện các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
VLXD.org (TH/ Báo Quảng Ninh)