Công an huyện Mường La tạm giữ các phương tiện vận chuyển cát không rõ nguồn gốc.
Theo ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Sở đã rà soát, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn chấp hành các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản; trong đó, có nội dung rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở chủ trì và phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, tập huấn nghiệp vụ sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, các quy định pháp luật liên quan chủ giấy phép khai thác khoáng sản, giám đốc điều hành mỏ; cắt giảm tối đa thời gian thẩm định cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, góp phần bình ổn giá cả thị trường... từ năm 2019 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 2 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 3 Giấy phép khai thác khoáng sản, 2 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; toàn tỉnh hiện còn 42 Giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực.
Được biết, năm 2019 và quý I năm nay, Sở đã thành lập đoàn công tác kiểm tra 36 đơn vị, thanh tra 9 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản; ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản, môi trường, thu nộp ngân sách gần 2,3 tỷ đồng (xử phạt vi phạm hành chính 900 triệu đồng 2 điểm mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ); tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu 6 đơn vị dừng khai thác để khắc phục vi phạm, sự cố mỏ; thu hồi 1 Giấy phép khai thác khoáng sản Magnezit của Công ty TNHH 27-7 tại các bản Phúng, Hin Hụ của xã Bó Sinh và xã Chiềng En (Sông Mã) vì đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 55 Luật Khoáng sản nhưng không khắc phục. Đặc biệt, trước phản ánh của báo chí về việc một số chủ mỏ vi phạm các quy định khi khai thác khoáng sản tại một số huyện, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, qua kiểm tra cho thấy các chủ Giấy phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật khoáng sản năm 2010; chưa lập đầy đủ báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác theo mẫu của Bộ TN&MT; sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại một số mỏ đá chưa tuân thủ các điều kiện an ninh, an toàn; một số chủ mỏ khai thác đá vượt ranh giới, độ sâu cho phép... tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tước giấy phép sử dụng vật liệu nổ, giấy phép khai thác khoáng sản, yêu cầu chủ mỏ dừng hoạt động, thực hiện các giải pháp đưa mỏ về trạng thái an toàn, khắc phục các vi phạm...
Giải thích nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm kéo dài mà chưa được xử lý triệt để, ông Đỗ Văn Trụ cho rằng lực lượng chức năng các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng không ít tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vẫn chây ỳ; một số chủ mỏ đá chấp hành chưa nghiêm các quy định pháp luật; địa bàn khai thác của các mỏ thường ở xa; công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành thiếu đồng bộ, kịp thời; hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản và các văn bản luật khác có liên quan đến đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, thuế... còn nhiều bất cập. Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện các quy định, quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; chú trọng các giải pháp thực hiện quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định; kiến nghị Bộ TN&MT sớm có hướng dẫn đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xử lý vi phạm hành chính, tận dụng cát, sỏi có sẵn để xây dựng nông thôn mới; trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực KTKS; khẩn trương hoàn thành Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý TN&MT của địa phương, nhằm kết nối số hóa dữ liệu, quan trắc tự động, giám sát quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
VLXD.org (TH/ Báo Sơn La)