Tăng lương tối thiểu vùng; quy định mới về BHXH bắt buộc; Xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản... là những chính sách mới có liên quan đến ngành sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2016...
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016
Nghị định 122/2015 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.
Trong khi đó, theo một quyết định giữa tháng 12 vừa qua của Thủ tướng, từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định, từ 1/1/2016, sẽ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Quy định mới về bảo hiểm xã hội
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/1/2016. Nghị định quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội.
Cũng theo nghị định, từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội khoá 13, từ 1/1/2016, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm mà chưa đủ 20 năm đóng, khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản được ban hành nhằm xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản thống nhất, đủ độ tin cậy để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thị trường và phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội; phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật có liên quan; thực hiện các quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản và là cơ sở để tạo hành lang pháp lý theo kịp với tình hình phát triển của thị trường.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn