Theo đó, đối với mặt hàng gang thỏi, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN từ 0% lên 3%, để vừa đảm bảo hỗ trợ
doanh nghiệp sản xuất gang trong nước, vừa không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất
phôi thép.
Bộ Tài chính cho biết, mức thuế được đề xuất thấp hơn khung thuế suất theo cam kết WTO của mặt hàng Gang thỏi thuộc nhóm 72.01 hiện từ 0 - 5%.
Trước đó Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị tăng mức thuế nhập khẩu mặt hàng gang thỏi từ mức thuế suất 0% hiện hành lên mức tối đa theo cam kết WTO là 5% của Công ty TNHH Thép Dongbu Việt Nam, DN FDI vốn Hàn Quốc.
Công ty TNHH Thép Dongbu cho biết hiện đang cùng một số công ty sản xuất gang thép trong nước chuẩn bị hồ sơ yêu cầu
áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Kiến nghị tăng thuế là để giúp duy trì sự tồn tại của ngành luyện gang thỏi trong nước, do thời gian dự kiến hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục cần thiết sẽ kéo dài.
Theo kiến nghị, DN FDI vốn Hàn Quốc này hiện là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất gang thỏi công suất 242.000 tấn/năm tại thành phố Hải Phòng. Sản phẩm chủ yếu của nhà máy bao gồm gang thỏi dùng cho luyện
thép, đúc gang có mã HS là: 7201.
Kể từ khi nhà máy đi vào sản xuất chính thức tháng 5/2015 đến nay, sản phẩm của Công ty chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ gang thỏi nhập khẩu. Giá gang thỏi trên thị trường trong nước liên tục sụt giảm từ 6 triệu đồng/tấn xuống còn 4,4 triệu đồng/tấn, trong khi việc giảm giá các nguyên liệu vật tư đầu vào chỉ giúp giảm được khoảng 500 nghìn đồng/tấn giá thành. Nhà máy của Công ty cũng như các nhà máy luyện gang thỏi khác trong nước đã và đang chịu thua lỗ lớn, một số nhà máy đã phải đóng cửa.
Hiện tổng nhu cầu trong nước đối với gang thỏi chỉ vào khoảng 400 nghìn tấn/năm với gang luyện thép và 55 nghìn tấn/năm với gang đúc, nhưng công suất luyện gang trong nước đã vượt hơn khá nhiều.
Còn theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, trong nước có 6 DN sản xuất gang thỏi với tổng công suất 604.000 tấn gang thỏi/năm. Nếu tính tổng công suất sản xuất gang thỏi của 6 nhà máy đạt 604.000 tấn/năm, đáp ứng thừa nhu cầu trong nước. Còn nếu chỉ tính các công ty đang hoạt động thì tổng công suất sản xuất đạt 302.000 tấn gang/năm, đáp ứng được khoảng 66% nhu cầu trong nước.
Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu năm 2014 của mặt hàng gang thỏi thuộc nhóm 7201 đạt 25,7 ngàn tấn, trị giá 10 triệu USD; năm 2015 đạt 58,9 ngàn tấn (tăng 2,29 lần so với năm 2014), trị giá đạt 17,3 triệu USD (tăng 1,7 lần so với năm 2014). Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN, Nga, Hàn Quốc...
Tuy nhiên xét về tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng gang thỏi năm 2014 đạt 25,7 ngàn tấn, chỉ chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu trong nước; năm 2015 đạt 58,9 ngàn tấn, chiếm khoảng 13%. Như vậy, nếu tính năng lực sản xuất trong nước như hiện tại và số lượng nhập khẩu theo số liệu năm 2015 thì mới đạt 361 ngàn tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước. Do vậy các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể tăng năng suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Giá nhập khẩu bình quân năm 2014 đạt 392USSD/tấn, tương đương 8,6 triệu đồng/tấn, năm 2015 đạt 292USD/tấn, tương đương 6,4 triệu đồng/tấn, giảm 25% so với năm trước.
Trên cơ sở tổng hợp và phân tích như trên, Bộ Tài chính cho biết, kiến nghị đề nghị tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng gang thỏi thuộc nhóm 72.01 nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của DN là có cơ sở.
Tuy nhiên, hiện một số DN sản xuất phôi thép trong nước vẫn nhập khẩu gang thỏi về để làm nguyên liệu sản xuất, do vậy trường hợp tăng thuế nhập khẩu gang thỏi cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của các DN này. Trong khi đó, theo phản ảnh của Hiệp hội Thép cũng như một số DN sản xuất phôi thép trong nước thì thì hiện nay các DN sản xuất phôi thép trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, nguồn nhập khẩu của mặt hàng gang thỏi từ các nước được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA, AKFTA là 0% chiếm 73% tổng kim ngạch nhập khẩu 12,7 triệu USD/17,3 triệu USD.
Vì vậy Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với mặt hàng gang thỏi từ 0% lên 3% (không tăng lên bằng mức cam kết WTO là 5% theo như kiến nghị của DN) để vừa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gang trong nước, vừa không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sản xuất phôi thép./.
Theo TBTC