N
ghị định số 24a/2016/NĐ-CP ban hành ngày 5/4/2016 của Chính phủ về Quản lý VLXD thay thế Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2017
Xin ông cho biết, NĐ 24a sẽ khắc phục được những nhược điểm gì của NĐ cũ?
- NĐ 24a khắc phục được hết các hạn chế của NĐ cũ (gọi tắt là NĐ 124). Dù NĐ 124 đã quy định về các loại quy hoạch phát triển VLXD, tuy nhiên các quy định về trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như năng lực của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, NĐ 124 cũng mới chỉ quy định về quy hoạch phát triển VLXD, còn thiếu các quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD.
Mặc dù Luật Khoáng sản năm 2010 đã có quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD, tuy nhiên trong Luật chưa xác định cụ thể đối với từng loại, nhóm khoáng sản làm VLXD phải lập quy hoạch cũng như chưa có quy định đầy đủ, chi tiết về trách nhiệm, thẩm quyền, trình tự thủ tục, hồ sơ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các loại quy hoạch này nên quá trình triển khai cũng còn lúng túng, thiếu thống nhất.
Ngoài ra, NĐ 124 quy định có 2 nhóm quy hoạch phát triển VLXD gồm: quy hoạch chung phát triển VLXD được lập cho 3 cấp độ là cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương; quy hoạch phát triển các sản phẩm VLXD chủ yếu được lập ở cấp quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế việc lập quy hoạch chung phát triển VLXD cấp vùng là không cần thiết vì các nội dung sẽ trùng lắp với quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam (cấp quốc gia) và các quy hoạch phát triển VLXD của địa phương, cho đến nay cũng chưa có quy hoạch chung phát triển VLXD cấp vùng nào được lập.
Việc lập và quản lý quy hoạch phát triển VLXD theo quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam, quy hoạch phát triển sản phẩm VLXD chủ yếu và quy hoạch phát triển VLXD địa phương trong thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp, phù hợp với phân cấp quản lý VLXD, quản lý khoáng sản làm VLXD theo hai cấp Trung ương và địa phương như hiện nay. Vì vậy, quy định về quy hoạch chung phát triển VLXD vùng tại NĐ 124 là không cần thiết và không phù hợp với thực tiễn quản lý...
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).
Vậy NĐ 24a có những điểm mới căn bản nào, thưa ông?
- NĐ 24a có những quy định hoàn toàn mới như: Chính sách phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đây là nội dung hoàn toàn mới, trên cơ sở quy định chi tiết và làm rõ các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD.
Điều này thực sự cần thiết để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới trong việc phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Trong đó, đã quy định các chính sách chung về phát triển loại vật liệu này; quy định các dự án được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước, các ưu đãi hỗ trợ cụ thể đối với từng loại dự án.
Về quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng: Phân loại quy hoạch đã bỏ “quy hoạch chung phát triển VLXD vùng”. Lý do là mặc dù có quy định tại NĐ 124 nhưng từ năm 2007 đến nay không triển khai lập quy hoạch này do không cần thiết và cũng không có nhu cầu.
Đồng thời, bổ sung làm rõ căn cứ lập quy hoạch phát triển VLXD, trong đó định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển VLXD với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển VLXD cấp độ cao hơn.
Trước đây và hiện nay, có khá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề sử dụng amiăng trong sản xuất VLXD. Vậy NĐ 24a có giải quyết được vấn đề này không, thưa ông ?
- Đây cũng là vấn đề hoàn toàn mới đã được bổ sung trong NĐ 24a. Trước đây các điều kiện này được quy định tại Thông tư liên tịch số 1529/1998/TTLT/BKHCNMT-BXD ngày 17/10/1998 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn đảm bảo môi trường trong sử dụng amiăng vào sản xuất các sản phẩm, vật liệu và xây dựng và Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động.
Trong dự thảo Nghị định, điều kiện khống chế về mức độ phơi nhiễm bụi amiăng trong không khí được quy định với mức độ nghiêm ngặt tương đương với các nước phát triển (Mỹ, Canada, EU) và nghiêm ngặt hơn các nước trong khu vực như Philippin, Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan (Điều 32).
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Xây dựng