Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

Hải Dương: Khai thác khoáng sản làm VLXD cần có quy hoạch.

27/02/2013 - 03:13 CH

Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong tỉnh và cung ứng ra thị trường trong nước.
Sản xuất vật liệu xây dựng đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2009, sản lượng xi măng là 5,8 triệu tấn; gạch gốm ốp lát 6,8 triệu m2; Gạch nung và gạch không nung 687 triệu viên; ngói 900 nghìn viên; đá xây dựng 670 nghìn m3; sét gốm sứ, sét chịu lửa 230 nghìn tấn... Như vậy, để sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng thì một khối lượng lớn khoáng sản đã được khai thác, chế biến. Dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng của toàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015 sẽ còn tăng hơn nữa, cụ thể: xi măng 11 triệu tấn; gạch xây 923 triệu viên; đá xây dựng 961 nghìn m3; vật liệu lợp 1 triệu m2... Chính vì vậy, tổng nhu cầu khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng từ nay đến năm 2015 sẽ rất lớn, trong đó đá vôi xi măng 70 triệu tấn; sét xi măng 18 triệu tấn; phụ gia 11 triệu tấn; sét trắng, cao lanh 600 nghìn tấn; đất sét gạch ngói 5,7 triệu m3; đá xây dựng 4,7 triệu m3... Nguồn khoáng sản này tập trung chủ yếu ở các mỏ thuộc huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh.



Tỉnh Hải Dương có tiềm năng rất lớn về khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó đáng chú ý nhất là đá vôi xi măng, sét xi măng, phụ gia xi măng, sét trắng, cao lanh, sét chịu lửa và các khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng thông thường như đá xây dựng, đất sét gạch ngói, cát xây dựng... Tuy nhiên, những năm trước, việc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh Hải Dương chưa được quy hoạch chi tiết. Hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu căn cứ vào nhu cầu thực tế của nhà đầu tư với những công trình cụ thể, chưa có những đánh giá khoa học, chưa phân tích thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như nhu cầu thực tế của xã hội. Bên cạnh đó, công nghệ khai thác còn lạc hậu, không tận thu hết khoáng sản. Vì chưa có quy hoạch cụ thể nên tình trạng khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh diễn ra phổ biến. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định số 1669/QĐ – UBND “Về việc phê duyệt Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Quy hoạch này chính là căn cứ cho việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn các huyện, thành phố, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân chủ động có kế hoạch đầu tư lâu dài, lựa chọn công nghệ thiết bị hiện đại, phù hợp với năng lực từng đơn vị, bảo vệ môi trường và các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của từng địa phương. Định hướng trong thời gian tới những loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương như đá vôi, xi măng, đất sét xi măng, phụ gia xi măng, nguyên liệu sản xuất gốm sứ và đô-lô-mít, cần tiếp tục ưu tiên thăm dò, khai thác những mỏ, những diện tích phân bố khoáng sản đã được cấp phép trên cơ sở mở rộng quy mô các mỏ, gắn liền với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có. Với những khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Hải Dương như đất sét sản xuất gạch ngói, đất san lấp, đá xây dựng, cát xây dựng… tổ chức thăm dò, khai thác và chế biến theo định hướng, trong đó: tập trung vùng nguyên liệu khu vực đất bãi bồi ngoài đê, ven sông, đất phi nông nghiệp xa khu dân cư; ưu tiên vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở đang sản xuất hoặc cơ sở chưa quy hoạch nguyên liệu; tập trung vào vùng nguyên liệu có khả năng bảo đảm chất lượng, có tiềm năng đưa vào sản xuất.

Để ngành công nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh phát triển bền vững, yêu cầu quan trọng nhất là phải áp dụng công nghệ thăm dò, khai thác và chế biến tiên tiến nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường. Trong ngành xi măng, với những mỏ đá vôi có đủ chất lượng cần ưu tiên đưa vào quy hoạch để phục vụ sản xuất xi măng, tận thu khai thác các loại đá không đủ tiêu chuẩn để cung cấp làm đá xây dựng. Đối với ngành sản xuất gạch ngói và các nguyên liệu phụ trợ cho ngành sản xuất xi măng cần ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, chỉ sử dụng đất sét ở những khu vực có nguồn đất cằn cỗi, đất bãi bồi, đất phi nông nghiệp để quy hoạch khu nguyên liệu… Quy hoạch là cơ sở quan trọng để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của tỉnh. Tuy nhiên, quy hoạch không phải là công cụ vạn năng nếu các doanh nghiệp không vì lợi ích chung và chính quyền các địa phương không có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn tài nguyên này.

Theo baoxaydung

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng