Theo VBLC, hiện nay, Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam, nên hoàn toàn có cơ sở để chấp nhận cho nước ngoài nhận thế chấp đối với bất động sản tại Việt Nam.
VBLC cho rằng, cần phải có hướng dẫn để cho phép công ty mua nợ được đăng ký làm bên nhận bảo đảm khi mua nợ, hoặc được quyền ủy thác cho một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam đứng ra nhận quản lý tài sản bảo đảm thay mặt cho công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Đại diện VBLC cũng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai để cho phép nước ngoài có thể trực tiếp nhận thế chấp đối với bất động sản, hoặc ủy thác cho một ngân hàng tại Việt Nam nhận tài sản bảo đảm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2017 sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới đối với các dự án do Chính phủ bảo lãnh, nhằm đảm bảo an toàn nợ công.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ.
Đến năm 2017 sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
Đồng thời, đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Doanh nghiệp được bù trừ thuế từ lãi kinh doanh nhà đất: Đây là một trong những nội dung đang được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN.
Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy đa số các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đều không có quy định doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ chuyển nhượng
bất động sản để kê khai, nộp thuế TNDN, ngoại trừ Việt Nam và Malaysia. Do đó, để phù hợp với thực tế hoạt động SXKD của DN và thông lệ quốc tế thì việc sửa đổi theo hướng quy định DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản) với lỗ từ hoạt động SXKD là cần thiết.
Đề xuất DN được bù trừ lãi chuyển nhượng BĐS sang lỗ sản xuất kinh doanh là phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Sẽ rà soát, đánh giá quy mô toàn quốc các nhà ở cũ nát đến hết tháng 12: Cả nước hiện có gần 1.700 nhà chung cư cũ đã xuống cấp. Hàng trăm công trình nhà ở đã cũ nát, rất nguy hiểm. Bộ Xây dựng cho biết, bộ quy chế quy trình đánh giá nhà nguy hiểm đã được ban hành. Theo đúng tiến độ thực hiện, đến hết tháng 12/2016, sẽ rà soát, đánh giá tổng quan trên quy mô toàn quốc các công trình đã xuống cấp.
Giao dịch bất động sản chững lại trong tháng 8: Toàn thị trường, giao dịch bất động sản trong tháng 8 đã chững lại do yếu tố tâm lý “kiêng” tháng 7 âm lịch.
Ảnh minh họa
Thống kê từ một số chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản cho thấy lượng giao dịch thành công tại Hà Nội trong tháng 8 đạt khoảng 1.250 trường hợp; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.200 giao dịch thành công - vẫn tương đương tháng trước.
Nguồn cung bất động sản tại Hà Nội vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, lượng cung chủ yếu vẫn tập trung tại phân khúc căn hộ trung - cao cấp; lượng cung căn hộ phân khúc bình dân không nhiều.
Hiện một số dự án mới chào bán ra thị trường được nhiều người quan tâm như: dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An (Quận Tây Hồ), chung cư Vinhomes Metropolis - Liễu Giai (Quận Ba Đình), chung cư An Bình City - Phạm Văn Đồng (Quận Bắc Từ Liêm)...
Tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng giao dịch thành công trong tháng 8/2016 có dấu hiệu chững lại. Giao dịch thành công chủ yếu trong giai đoạn này vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp với mật độ xây dựng thấp, tỷ lệ không gian xanh lớn, vị trí thuận lợi tại khu vực trung tâm như: dự án Diamond Lotus Riverside (Quận 8), dự án Vinhomes Golden River (Quận 1), dự án Elite Park (Quận Bình Thạnh).
Thị trường BĐS TP.HCM: Giá bán căn hộ sẽ tăng từ 5-7% mỗi năm trong vòng ba năm tới: Đây là nhận định được Jones Lang LaSalle, công ty nghiên cứu thị trường BĐS đưa ra trong báo cáo về thị trường BĐS TP.HCM phân khúc căn hộ để bán.
Theo nghiên cứu của JLL, tổng nguồn cung căn hộ tại TP. HCM hiện nay có khoảng 80.000 căn. Trong đó, phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp và cao cấp chiếm tỷ lệ lần lượt là 43%, 42% và 15%.
Trong vòng ba năm tới, dựa theo số lượng căn hộ đã chào bán, nguồn cung căn hộ được dự đoán sẽ tăng đến 74%. Đối với phân khúc căn hộ cao cấp và sang trọng có giá bán >2.000USD/m2, nguồn cung thậm chí được dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi.
JLL cho rằng kỳ vọng giá bán căn hộ sẽ tăng từ 5-7% mỗi năm trong vòng ba năm tới, được hỗ trợ bởi nhu cầu thị trường tăng cao cũng như mức giá hợp lý. Giá bán tại các phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp được dự đoán sẽ tăng đến 10% mỗi năm
Theo JLL, giá bán căn hộ tại TP. HCM vẫn phù hợp so với mức thu nhập. Căn cứ vào nhóm 20% các hộ gia đình có mức thu nhập hàng tháng cao nhất ở khoảng mức 1,337 USD, thì giá bán các căn hộ bình dân và trung cấp vẫn ở vào mức khoảng 3,9 - 6,6 năm thu nhập, xét trên một căn hộ có diện tích 75 mét vuông.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Nhiều tên tuổi lớn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Được mệnh danh là loại hình bất động sản dành riêng cho giới nhà giàu, sau giai đoạn khủng hoảng chung của thị trường, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh ven biển đang trở lại với sự tham gia của các tên tuổi lớn trong ngành bất động sản.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam đang được trông đợi sẽ sôi động hơn
Nói đến bất động sản nghỉ dưỡng không thể bỏ qua các thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu với hàng hoạt dự án quy mô lớn của các chủ đầu tư tên tuổi như Vingroup, Sun group, LDG, C.E.O group,… Bên cạnh các khu vực vốn đã phát triển nhiều năm qua, mới đây Quy Nhơn, Lăng Cô, Hội An cũng là những điểm đến được các nhà đầu tư bất động sản lựa chọn, trong đó có cả những tên tuổi trong nước và nước ngoài.
Sau khi đầu tư vào đại dự án FLC Sầm Sơn ở Thanh Hóa và FLC Vĩnh Thịnh Resort ở Vĩnh Phúc, “đại gia” bất động sản FLC đã đầu tư 7.000 tỷ đồng vào dự án FLC Quy Nhơn với quy mô gần 1.300 ha, gồm các hạng mục sân golf 18 lỗ, khu biệt thự và khách sạn 5 sao hơn 800 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Dự án đã khánh thành vào tháng 7/2016.
Tại Phan Thiết, chủ đầu tư Tân Việt Phát và đơn vị phát triển Danh Khôi cũng đang chào bán dự án nhà phố biển nghỉ dưỡng Queen Pearl với hơn 900 căn nhà phố và biệt thự ven biển.
Trước đó vào tháng 4/2016, chủ đầu tư Vinacapital và Gold Yield Enterprises cùng với đơn vị phát triển dự án là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (HASD) đã tổ chức lễ khởi công khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với quy mô 985,6 ha, tổng mức đầu tư lên đến 7 tỷ USD. Đây cũng là dự án lớn nghỉ dưỡng có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tại miền Trung tính đến thời điểm này.
Nhiều dự án của 'ông lớn' BĐS chậm tiến độ, lãng phí vốn đầu tư: Hiện nay, số lượng dự án, công trình bất động sản chậm tiến độ đang bị "chôn vùi" ngày càng lớn, chiếm một lượng vốn khá lớn của toàn xã hội vì vốn đầu tư vào các dự án xây dựng chiếm đến 40% GDP.
Báo cáo kiểm toán năm 2015 vừa được hoàn tất của Kiểm toán Nhà nước một lần nữa chỉ ra những yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty trong việc sử dụng tài sản, quản lý vốn và đầu tư. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng, kinh doanh những dự án bất động sản chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả đồng vốn như các dự án đến từ đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Bến Thành, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1)...
Một số dự án mà các doanh nghiệp nhà nước tham gia, thậm chí phải tạm dừng triển khai nên theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc này gây lãng phí vốn đầu tư. Trong số đó cũng có mặt của một số dự án thuộc doanh nghiệp tên tuổi như: PVN, ACV, Vinataba...
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân khiến hầu hết các công trình chậm tiến độ là do vốn không được đảm bảo. Hiện tượng phân bổ vốn dàn trải vẫn phổ biến, trình tự, thủ tục cấp vốn, thanh toán chậm, trễ, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài.
Ít dự án giá rẻ và nhà ở xã hội được khởi công mới: Theo đánh giá của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, từ đầu năm đến nay có rất ít các dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội được khởi công mới.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa được triển khai trong khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã kết thúc cho vay.
Chỉ có một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội khởi công từ đầu năm vẫn tiếp tục triển khai như: dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (huyện Quốc Oai), dự án nhà ở xã hội Phú Lãm (Quận Hà Đông), dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức), dự án FLC Star Tower (quận Hà Đông).
Mở bán Jamona Golden Silk: Hôm qua (28/8), Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã chính thức mở bán dự án Khu đô thị Jamona Golden Silk với giá từ 5,8 tỷ đồng/căn.
Tọa lạc tại đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận, quận 7, Tp.HCM, Jamona Golden Silk có diện tích 7,6 ha, gồm 3 phân khu chính là Cashmere (biệt thự đơn lập ven sông), Chiffon (biệt thự song lập sân vườn) và Sari (nhà phố thương mại) được thiết kế theo phong cách đương đại.
Dự án được đầu tư 31 tiện ích nội khu phục vụ cho cuộc sống của cư dân như: Phòng chăm sóc sức khỏe gia đình, khu vui chơi cát trắng, quảng trường nước & ánh sáng, hệ thống vườn rau thông minh,…
Dự kiến, đến tháng 12/2016 hơn 50% biệt thự và nhà phố thương mại, tức khoảng 125 căn sẽ được hoàn thành phần móng. Cũng trong thời điểm này, 75 căn nhà sẽ hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng mua nhà trong giai đoạn 1.
Ngày 2/9, khai trương khách sạn Mường Thanh Grand Hoàng Mai tại Nghệ An: Khách sạn Mường Thanh Grand Hoàng Mai nằm ở vị trí đắc địa trên đường quốc lộ 1A, giáp ranh với các con đường kết nối tới khu hành chính của thị xã và KCN Hoàng Mai 1. Được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, khách sạn có chiều cao 15 tầng với 161 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong và ngoài nước; hệ thống 3 phòng hội nghị lớn hiện đại có sức chứa tối đa 1000 khách.
Vẻ đẹp khách sạn Mường Thanh Grand Hoàng Mai tại Nghệ An.
Đi kèm cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ là các dịch vụ tiệc hội thảo, hội nghị chuyên nghiệp có khả năng phục vụ đồng thời hơn 500 thực khách. Mường Thanh Grand Hoàng Mai hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng để tổ chức những sự kiện trọng đại như tiệc cưới, hội họp,… cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, những địa danh quen thuộc của Nghệ An như Lan Châu, Vạn An, Lam Hồng, Bắc Sơn, Lam Sơn cũng được khéo léo sử dụng làm tên đặt cho các khuôn viên nhà hàng, quán bar, khu vực spa & massage với mong muốn lưu dấu trong lòng du khách về mảnh đất Nghệ An xinh đẹp khi đến lưu trú, nghỉ dưỡng tại đây.
Mường Thanh Grand Hoàng Mai là khách sạn thứ 40 nằm trong chuỗi thương hiệu khách sạn Mường Thanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường khách được trải nghiệm dịch vụ khách sạn đa dạng từ sang trọng đến tiêu chuẩn.
VLXD.org (TH)