Sau sự việc UBND TP.HCM cho rà soát các thủ tục thực hiện dự án, người mua bất động sản hoang mang không biết dự án mình mua có “dính” phải những thiếu sót về thủ tục pháp lý hay không.
TP.HCM đã rà soát và chấn chỉnh tính pháp lý của các dự án bất động sản có nguồn gốc đất công.
Chỉ định thay cho đấu thầu
Trong đó nêu rõ một số dự án được UBND TP.HCM lựa chọn, chấp thuận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, không qua đấu thầu, đấu giá theo quy định của Luật đầu tư.
Theo quy định, với dự án phát triển nhà ở thương mại phải đấu thầu chọn chủ đầu tư tại khu vực chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực đã thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án được lựa chọn, chấp thuận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ giai đoạn 2013 - 2016, việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án khu đô thị trên địa bàn TP.HCM chủ yếu thông qua hình thức chỉ định trực tiếp, theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Vì giao chỉ định nên khi tính tiền sử dụng đất, các cơ quan chức năng phải làm thủ tục "định giá đất". Ở khâu định giá đất, thường các sai phạm xảy ra khi thu thập thông tin để định giá đất không đúng giá thị trường, không phù hợp với thực tế đang sử dụng đất, chưa đánh giá hết giá trị lợi thế của khu đất dẫn đến thất thu tiền sử dụng đất, thiệt hại cho ngân sách.
Theo giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng, qua rà soát sở đã trình UBND TP đề nghị hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng, nhà đất công cho tổ chức, cá nhân và đưa vào bán đấu giá theo quy định.
Cho chuyển mục đích ngoài danh mục
Vi phạm trong thủ tục chấp thuận, công nhận dự án chưa dừng lại ở đó. Theo quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch phải nằm trong danh mục di dời do Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND TP quyết định mới được tính toán phương án di dời cơ sở sản xuất và xử lý khu đất.
Nhưng UBND TP đã công nhận, chấp thuận đầu tư thực hiện nhiều dự án tại khu đất không có quyết định di dời cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo quy chế này, doanh nghiệp di dời chỉ được chuyển mục đích sử dụng đất khi đáp ứng đồng thời các điều kiện.
Thế nhưng một số dự án được chấp thuận cho công ty đang quản lý sử dụng thuê trả tiền hằng năm liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất nhưng vốn góp thấp hơn 26% vốn điều lệ, tạo sơ hở, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Cần công khai thông tin pháp lý của dự án
Ông Nguyễn Hoàng Anh mua căn hộ trong dự án trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) có nguồn gốc của doanh nghiệp nhà nước. Khi nghe tin hàng loạt dự án bị UBND TP tạm ngưng để rà soát pháp lý, ông và những người hàng xóm cũng lo lắng.
Bởi nếu rà soát có thể bị đóng băng giao dịch, quá trình cấp giấy chủ quyền cho dự án sẽ chậm lại, người đang vay ngân hàng lo ngân hàng sẽ thu hồi nợ sớm... Ông Anh đã tận dụng các mối quan hệ để hỏi thăm tình trạng pháp lý của dự án. "Chưa biết thế nào nhưng có thông tin để giải tỏa lo lắng vẫn hơn" - ông Hoàng Anh nói.
Còn bà Trần Thị Nguyệt Nhi đang "ôm" đến bốn căn hộ ở các dự án khác nhau ở quận 4, 5 cũng đứng ngồi không yên. "Nếu dính dự án bị rà soát, ngân hàng ngưng giao dịch, những căn hộ của tôi không sang tên được thì phải bán giấy tay, phải hạ giá mới có người mua. Coi như lợi nhuận đầu tư mấy năm nay đổ sông đổ biển..." - bà Nhi lo lắng.
VLXD.org (TH/ TTO)
Ý kiến của bạn