Quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, các giao dịch chuyển nhượng hay triển khai dự án chậm do thủ tục mất thời gian. Những điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải mở rộng ra các tỉnh, thành khác để tồn tại và phát triển thay vì chú trọng đầu tư vào TP.HCM như những năm qua.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng dự án công bố ra thị trường thành phố giảm hơn 60% so với năm ngoái.
Đặc biệt, nhiều dự án đang trì trệ bởi nhiều lý do. Báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tính từ tháng 7/2015 – khi Luật Nhà ở có hiệu lực đến nay, Sở đã tiếp nhận 170 dự án đề nghị công nhận chủ đầu tư nhưng chỉ có 44 dự án có đầy đủ giấy tờ hợp pháp để công nhận và tiến hành triển khai xây dựng.
Chưa kể, thị trường bất động sản TP.HCM còn tồn tại nhiều điểm nghẽn khác như: giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án… khiến không ít doanh nghiệp phải ngao ngán.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chuyển hướng ra các tỉnh thành khác để tìm kiếm quỹ đất cũng như lên kế hoạch đầu tư mới. Thừa nhận với chúng tôi, trong định hướng phát triển của doanh nghiệp thì thị trường bất động sản tại TP.HCM đã không còn hấp dẫn như trước bởi nhiều lý do.
Vì vậy, ít nhất trong 2 năm tới, doanh nghiệp này sẽ không đầu tư và triển khai dự án mới tại TP.HCM.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang săn lùng quỹ đất và triển khai dự án ở các tỉnh thành như Nha Trang – Khánh Hòa, Phan Thiết – Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An hay Cần Thơ.
Nhìn chung, đây là những địa phương không chỉ có lợi thế phát triển kinh tế, du lịch mà còn được Chính phủ chú trọng đầu tư, triển khai hạ tầng, hệ thống giao thông và sân bay. Các chuyên gia cho rằng, đây là sự dịch chuyển tất yếu trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay.
Với sự dịch chuyển địa điểm đầu tư dự án trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM đang sụt giảm chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay, nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại, thị trường bất động sản TP.HCM trong những năm tới sẽ tồn tại nhiều vấn đề.
Song song đó, các chuyên gia còn cho rằng, nếu dịch chuyển đầu tư đồng loạt sang các địa phương cùng thời điểm như hiện nay sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp giậm chân lên nhau. Càng nghiêm trọng hơn, không phải địa phương nào cũng có thể tạo ra được giá trị bất động sản và mức lợi nhuận như các doanh nghiệp kỳ vọng.
Chưa kể, tại các tỉnh thành, mật độ dân cư thấp người dân cũng không mặn mà với việc mua dự án với giá cao hơn đất nền hoặc nhà riêng lẻ. Như câu chuyện sốt đất ở Long Thành, Đồng Nai là một ví dụ điển hình.
Thời điểm có thông tin sân bay Long Thành, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lẫn nhà đầu tư cá nhân đổ xô tìm quỹ đất và rót vốn. Đến nay, tại Long Thành, Đồng Nai có không ít dự án xây dựng xong phải bỏ hoang, hoặc thưa thớt cư dân hoặc nhan nhản các bảng sang nhượng, rao bán đất, căn hộ.
Các chuyên gia bất động sản khuyên rằng, ngoài thận trọng trong việc lựa chọn địa điểm, các doanh nghiệp bất động sản muốn thành công khi đầu tư tại các tỉnh thành cũng cần phải tạo ra giá trị cộng hưởng như trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị hay khu vui chơi giải trí hấp dẫn chứ không thể làm dự án riêng lẻ.
VLXD.org (TH/ Cafeland)
Ý kiến của bạn