Chi phí thấp
Giá thành rẻ, lại có nhiều tính năng ưu việt nên từ nhiều năm nay tấm lợp được người dân sử dụng phổ biến, đặc biệt là các vùng nông thôn. Chả thế mà tấm lợp này được xem như vật liệu dành cho người nghèo khi muốn dựng nhà.
Trong căn nhà rộng chừng 20m2 tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, ông Hoàng Đăng Nam chia sẻ ngôi nhà này gia đình ông Nam đã xây dựng và sử dụng 16, 17 năm nay. Không có tiền để sử dụng ngói bởi chi phí đắt gấp 5,6 lần nên nhà ông Nam quyết định chọn lợp mái bằng tấm amiăng xi măng.
Cho đến nay, chất lượng công trình vẫn tốt bởi mái nhà có khả năng chống nóng, cách nhiệt cũng như chống ồn tốt hơn mái tôn, giá rẻ và lúc lợp rất tiện lợi.
Tấm lợp vốn là vật liệu được sử dụng phổ biến tại các vùng nông thôn và miền núi nước ta.
Theo thống kê, trên toàn quốc có 39 nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, năng lực sản xuất đạt khoảng 106 triệu m2/năm và tạo công ăn việc làm cho trên 5.000 lao động. Hầu hết các nhà máy đều chạy hết công suất và không có hàng tồn kho do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn.
Tuy nhiên, từ năm 2001, Chính phủ đã có đề án ngừng sản xuất loại vật liệu này do có khuyến cáo ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Nhiều đơn vị đã thử nghiệm các sợi khác để thay thế amiăng song hiện chưa có loại nào thay thế được.
Ông Lê Văn Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh, Hà Nội cho biết năm 2001, sau khi Chính phủ cấm sử dụng tấm lợp này, năm 2004 Công ty đã tìm công nghệ mới là sợi BVA nhưng trong quá trình sử dụng phát sinh ra một số bất cập, giá thành cao, chất lượng không bền bằng sợi AV.
Cũng bởi vậy, từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133 về việc cho phép sử dụng amiăng trắng để . Nhưng để hạn chế ảnh hưởng, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các nhà máy phải hoàn thiện công nghệ, kiểm soát khí thải, nước thải, chất thải rắn. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã đầu tư máy móc tự động, khép kín chu trình sản xuất từ khâu phối liệu, tạo hình... đến bốc xếp sản phẩm nên vừa giảm lao động trực tiếp, đồng thời hạn chế tối đa các chất thải (khí, nước và rắn) ra môi trường.
Mỗi sản phẩm vật liệu xây dựng đều hướng tới một phân khúc thị trường nhất định; trong đó, tấm lợp amiăng xi măng là lựa chọn của các hộ dân nghèo, nhất là khu vực miền núi và vùng ven biển.
Khảo sát thực tế cho thấy sau mỗi đợt bão lũ, vật liệu được bà con vùng ven biển chọn để lợp lại nhà vẫn là tấm amiăng xi măng bởi mức giá khá khiêm tốn, chỉ dao động từ 28.000-42.000 đồng/m2 tùy chủng loại. Trong khi nếu lợp ngói nung phải mất trên 200.000 đồng/m2 còn tôn có cách nhiệt cũng vào khoảng 180.000 đồng/m2.
Đặc biệt, tấm lợp amiăng xi măng lại chống chọi được với thời tiết vùng biển, không lo bị ăn mòn như lợp tôn.
Cần sự đánh giá khách quan
Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới nhận định trong sản xuất tấm lợp có kiểm soát thì vẫn đảm bảo an toàn. Ông Tới dẫn chứng, như kết quả tại Nga cho thấy, nhân dân thành phố ở ngay mỏ khai thác cũng không có tỷ lệ ung thư và tử vong.
Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ sở sản xuất phải có những biện pháp để không ngừng cải tiến các thiết bị, đặc biệt bảo vệ sức khỏe của người lao động cũng như các biện pháp không gây ra ô nhiễm cho môi trường cũng như phế phẩm.
Theo ông Vũ Thái Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Bạch Đằng, Nam Định, việc trắng có kiểm soát vẫn có thể tiến hành ổn định lâu dài và vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát được tỷ lệ. Hằng năm, Công ty Bạch Đằng vẫn thực hiện quan trắc các chỉ tiêu và cho thấy đều đảm bảo. Đồng thời tổ chức Công ty cũng khám bệnh nghề nghiệp thường xuyên cho công nhân nhưng kết quả chụp phim đều chưa phát hiện ca nào mắc bệnh nghề nghiệp và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Trước những thông tin về việc có nên dừng sản xuất dòng sản phẩm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết hiện Bộ Xây dựng đã đưa các đoàn khảo sát, xem xét môi trường tại một số nhà máy đang sản xuất amiăng xi măng. Trên cơ sở đó sẽ có cách nhìn toàn diện, thực tiễn và cùng với kết quả đánh giá của các nhà khoa học, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp nghiên cứu trình Thủ tướng để có định hướng thích hợp. Mục tiêu là phải cân bằng lợi ích của các bên, từ sức khỏe người dân, đến nhu cầu sử dụng, và việc sản xuất của các đơn vị hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khối tài sản và thiết bị lớn cho dây chuyền công nghệ, nhà xưởng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương... Vì vậy, nếu dừng sản xuất thì cũng phải đưa ra được lộ trình để có vật liệu thay thế, tính sức mua của người dân, đồng thời cũng để các doanh nghiệp khấu hao trả nợ chuyển sang hình thức khác.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tấm lợp fibro xi măng chiếm khoảng 30-35% thị phần tấm lợp các loại. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nếu thị phần của loại vật liệu này nhỏ thì có thể bỏ. Nhưng nếu chiếm thị phần từ 30 đến 35% như hiện tại, thì cần nghiên cứu giải pháp phù hợp. Bởi tấm lợp này rất hữu dụng trong những trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lũ.
Hiện trên thế giới vẫn còn trên 140 nước vẫn đang sử dụng loại sợi này, trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Canada, Nga... Hơn nữa nhu cầu trong nước về tấm lợp fibro xi măng còn rất lớn, nếu dừng ngay sản phẩm này sẽ dẫn đến xáo trộn cho các đơn vị sản xuất và cả người tiêu dùng.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp nhưng có một điều không thể phủ nhận là những tấm fibro xi măng này có vai trò rất quan trọng đối với bà con ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt là những nơi thường xuyên xảy ra bão lũ.
Còn theo các doanh nghiệp, để đảm bảo uy tín cho ngành sản xuất tấm lợp, vì lợi ích người tiêu dùng, những đơn vị nào không chấp hành nghiêm túc các quy định quản lý trong sản xuất amiăng trắng thì cũng cần phải xử phạt nghiêm minh, tránh tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh.”
Việc tranh cãi có nên tiếp tục hay dừng sản xuất tấm lợp từ amiăng trắng đã kéo dài khoảng 10 năm nay và vẫn chưa có hồi kết. Nhưng trong khi đợi các bộ ngành xem xét, các đơn vị sản xuất cần phải tuân thù nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là phải đặt vấn đề an toàn sức khỏe con người và môi trường lên hàng đầu.
Theo Công thương