Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin tức

Học sinh biến phế phẩm nông, ngư nghiệp thành vật liệu xanh

09/05/2023 - 02:11 SA

Từ những phế phẩm nông, ngư nghiệp bị bỏ đi, nhóm học sinh THPT đã nghiên cứu và chế tạo thành công vật liệu gốm nhẹ không nung từ vỏ hàu và trấu. Dự án của nhóm khi triển khai thành công đưa sản phẩm ra thị trường sẽ góp phần xử lý một lượng lớn phế phẩm thải ra môi trường hàng năm.
>> "Vật liệu xanh" trang trí tường nội thất
>> Những vật liệu xanh được sử dụng nhiều trong ngành nội thất
>> Vật liệu xanh cho công trình xanh - Kinh nghiệm thực tiễn từ Capital House


Nhóm tác giả của dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu”

Với dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu”, nhóm tác giả gồm: Võ Nguyễn Thúy Hà, Phan Anh Quang và Lê Thị Thu Hà đang theo học Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đoạt giải Nhất khối học sinh phổ thông tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V.

Đại diện nhóm là em Võ Nguyễn Thúy Hà cho biết: “Trấu và vỏ hàu từ lâu đã được tận dụng với nhiều phương cách nhưng con người vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Vì thế chúng em đã tìm cách giữ lại những đặc tính tốt nhất với mong muốn biến hai loại phụ phẩm này trở thành vật liệu xanh không độc hại, thân thiện với môi trường”.

Xuất phát từ mong muốn góp phần bảo môi trường tự nhiên, nhóm tác giả đã nghĩ ra ý tưởng tạo nên loại vật liệu gốm nhẹ không nung từ trấu, vỏ hàu có thể thay thế cho gốm nung truyền thống.

Em Phan Anh Quang chia sẻ, quá trình làm ra gốm nung truyền thống thường tạo khí thải (bụi, CO, CO2, SO2 …) và chất thải rắn (tro xỉ, phế phẩm nung hỏng) gây ảnh hưởng môi trường và cạn kiệt tài nguyên đất, khan hiếm nguyên liệu sản xuất.

Vì vậy, khi kết hợp vỏ hàu và vỏ trấu (sản phẩm xanh) sẽ tạo ra một loại vật liệu mới có thể ứng dụng được trong đời sống con người: trang trí (gốm mỹ thuật, tấm ốp tường...); đời sống dân dụng (chậu cây, lọ, đồ chơi trẻ em…) khắc phục được nhược điểm về tính chống thấm, độ bền uốn, độ bền kéo của những sản phẩm gốm không nung trên thị trường.

Nói về nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, nhóm tác giả cho biết, theo ước tính của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, sản lượng hàu nuôi hằng năm của Việt Nam 30.000 - 35.000 tấn. Như vậy, lượng vỏ hàu thải ra hằng năm tương đương 25.500 - 29.700 tấn.

Dự án của nhóm khi triển khai thành công đưa sản phẩm ra thị trường sẽ góp phần xử lý một lượng lớn phế phẩm thải ra môi trường hàng năm, tận dụng tối đa các nguồn lợi sinh học đã và đang không được sử dụng triệt để, chuyển đổi phế phẩm thành vật liệu xanh, không độc hại.

Thúy Hà kể:“Sau khi tinh chế CaCO3 từ vỏ hàu bằng dung dịch NaOH 2%, sấy, nung để loại bỏ CO2, vỏ hàu được nghiền tạo thành bột mịn. Đem bột vỏ hàu, trấu, keo thông, phụ gia chống cháy Antimon trioxit (Sb2O3) trộn theo tỷ lệ nhất định, sau đó mang hỗn hợp này bỏ vào khuôn để dập. Tiếp đó đem sản phẩm phơi 1 nắng thì khuôn sẽ tự động tách ra, tuy nhiên để vật liệu đạt chất lượng tốt nhất thì nhóm phải tiếp tục phơi trong khoảng 29 ngày thì mới thành phẩm”.

Sau khi sản phẩm làm ra thành công và trải qua quá trình thử độ bền ở ngoài tự nhiên, nhóm tác giả tự tin mang dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu” dự thi và nhận được nhiều sự quan tâm lớn từ các ban giám khảo và một số đơn vị. Nhóm tác giả quyết định sẽ tìm thời điểm thích hợp làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tương lai sẽ tính đến phương án nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà tài trợ.

ThS Lê Thị Thu Hồng - giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THPT Phú Bài, người hướng dẫn trực tiếp nhóm tác giả - cho biết: “Ý tưởng này do các em tự tìm tòi và phát hiện ra. Trong quá trình thử nghiệm có nhiều lần thất bại vì không đạt được các tiêu chí của sản phẩm về chất lượng. Thế nhưng các em vẫn không từ bỏ mà nỗ lực đến cùng với dự án của mình. Hy vọng, dự án sẽ tiếp tục được phát triển, nhân rộng để nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến”.

VLXD.org (TH/ lược trích theo phunuvietnam)

Thương hiệu vật liệu xây dựng