Theo Thông tư 18/2013/TT - BXD ban hành ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng, nhiều đối tượng trước đây không thuộc diện được vay gói tín dụng ưu đãi quy mô 30.000 tỷ đồng thì nay đã có thể mang hồ sơ đến các ngân hàng tìm nguồn vốn cho dự án bất động sản hoặc ngôi nhà cho gia đình mình.
Chính sách thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm phù hợp hơn với thị trường.
Cụ thể, với doanh nghiệp, bên cạnh các đối tượng cũ là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội hoặc dự án chuyển đổi công năng từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội thì nay các dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng được vay vốn từ gói tín dụng này.
Với cá nhân, Thông tư cũng bổ sung thêm đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ.
Đó là những người chưa có nhà dù đã có đất ở được cấp sổ đỏ, nhưng diện tích tại đây nhỏ hơn mức quy định được cấp phép xây dựng của UBND cấp tỉnh (ví dụ, tại TP. Hà Nội mà diện tích đất ở nhỏ hơn 30 m2).
Một điểm mới của Thông tư 18 là trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có giấy chứng nhận kết hôn) và người ở nhờ, nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là gia đình độc lập cũng thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Quy định cũ chỉ cho phép mỗi hộ gia đình được vay một lần từ gói trên.
Việc xin xác nhận điều kiện được vay vốn cũng mở hơn. Cụ thể, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập (trừ trường hợp các ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của nhà băng).
Ngay sau Thông tư 18/2013/TT-BXD, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 5 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2013 và năm 2014.
Các khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay đối với cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà còn hạn chế; khả năng giải ngân đối với các doanh nghiệp đã được đăng ký và tiếp cận với những dự án mới trong thời gian tới cũng được Ngân hàng Nhà nước đề nghị 5 ngân hàng thương mại báo cáo rõ ràng trước ngày 12/11/2013. Ngoài ra, hàng tháng các ngân hàng trên phải có báo cáo về tỷ lệ hồ sơ xét duyệt cho vay trên tổng hồ sơ tiếp nhận của khách hàng; tỷ lệ khách hàng đã được nhận bàn giao nhà trên tổng số khách hàng đã được giải ngân.
Chính sách theo hướng thông thoáng hơn cũng giúp doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và tạo diễn biến tích cực trên thị trường địa ốc.
Những dự án căn hộ bình dân như Khu nhà ở xã hội No5, Khu đô thị Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm) của Viglacera; Dự án nhà ở xã hội Bắc Cổ Nhuế - Chèm (huyện Từ Liêm) của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô; Dự án CT2 Trung Văn (huyện Từ Liêm) của Công ty cổ phần Vinaconex 3; Dự án Tây Hà Tower (huyện Từ Liêm) của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tây Hà; Dự án chung cư Văn Phú – Victoria (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú… được đông đảo khách hàng có nhu cầu ở thực tìm mua.
Đặc biệt, tại Khu nhà ở xã hội No5, Khu đô thị Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm), do đã bước vào giai đoạn hoàn thiện và có thể ở ngay trong đầu năm 2014, nên đợt mở bán cuối mới đây đã có hơn 200 khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ.
Theo baodautu.vn