Theo chuyên gia tài chính - NH, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tình hình kinh tế năm 2015 sẽ có phần sáng sủa hơn so với năm 2014. Ba động lực được nhắc đến là: Thứ nhất, xuất khẩu tăng trưởng nhờ cú hích về sự hồi phục của kinh tế thế giới và thu nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai, cải cách của nền kinh tế Việt Nam sẽ góp phần vào tăng trưởng. Thứ ba, sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Tuy nhiên, thuận lợi luôn kèm theo rủi ro nhất định, đó là bất ổn chính trị thế giới, rủi ro môi trường kinh doanh và rủi ro liên quan đến quản lý của DN Việt Nam vẫn yếu kém, cần cải tổ. Trong khi đó, TS. Lực cho rằng, NHNN sẽ phải “chốt” rất nhiều vấn đề, trong đó tái cơ cấu. Đồng thời, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thận trọng, nhưng có thể nới lỏng một chút. Bởi tín dụng năm 2014 của Ngành không phải tăng cao nên khả năng năm tới có thể tăng lên 13 - 15% hoặc thậm chí cao hơn. Còn tỷ giá vẫn theo đà tiếp tục ổn định, vì nguồn cung hiện khá dồi dào…
Đồng quan điểm, ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của NH ANZ nhận định, các yếu tố dẫn dắt niềm tin người tiêu dùng Việt Nam xem ra khá tách biệt với các yếu tố dẫn dắt nền kinh tế nói chung. Giá cổ phiếu và giá vàng cũng như những hiệu ứng tài sản từ cả 2 yếu tố trên có xu hướng đóng vai trò chủ đạo… “Nền kinh tế Việt Nam nói chung và người tiêu dùng Việt nói riêng sẽ tiếp tục cải thiện một cách chậm rãi, nhưng chắc chắn chuyển đến trạng thái bình thường sau một vài năm khó khăn thắt chặt tín dụng”, ông Glenn Maguire nói.
Chính vì thế, ông Glenn cho rằng, NHNN đang nới lỏng tín dụng để DN có thể dễ dàng vay vốn và giải quyết bài toán thanh khoản, song do sức mua thị trường còn yếu nên chưa thể khơi dòng tín dụng. Theo đó, ANZ thấy những động thái điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam trong thời gian qua khá ổn và đã tác động tích cực đến thị trường, lãi suất… Nhưng nếu nhìn vào tương lai dài hạn trong vòng 6 tháng tới cũng cần theo dõi xem động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bởi nếu Fed tăng trở lại lãi suất thì đồng Việt Nam cũng sẽ tăng giá và NHNN cũng nên xem xét.
Tương tự, một chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015, nhưng không kỳ vọng có một sự thay đổi lớn về bức tranh kinh tế vĩ mô. Bởi nền kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục trải qua thời kỳ phục hồi rất chậm chạp. Trong khi đó, GDP Việt Nam cũng tăng trưởng chậm cùng với lạm phát thấp hơn mục tiêu là hình ảnh thường thấy của các nền kinh tế đã phát triển.
Hiện tượng trên đang diễn ra tại rất nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các Hiệp định Thương mại song phương đã và đang ký kết cộng với kỳ vọng về TPP sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015. Chính sách tiền tệ nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định…
Theo TBNH