Đáng chú ý là lần đầu tiên có quy định thỏa thuận trước về giá tính thuế, nhằm tránh tình trạng chống chuyển giá, gian lận thuế.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuế, Luật thuế Thu nhập cá nhân có nhiều sửa đổi theo hướng tốt hơn cho người nộp thuế. Chẳng hạn như: nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Ngoài ra có một số quy định mới về quyết toán thuế, cấp mã số thuế cho người phụ thuộc, tránh gian lận về thuế…
Các đại biểu cũng đánh cao giá việc áp dụng sớm Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp 20% được áp dụng ngay từ 1/7/2013 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 20 tỷ đồng; còn đối với doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội là 10%; thuế suất đối với nhà ở xã hội là 5%; giảm 50% mức thuế suất thuế Giá trị gia tăng từ 1/7/2013 đến 30/06/2014 đối với nhà ở thương mại.
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, cho rằng: “Về luật thuế giá trị gia tăng, một điểm đáng chú ý là giới hạn 6 tháng để xin khấu trừ thuế đầu vào của hóa đơn thì đã bị bãi bỏ, tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp được khấu trừ lại khoản thuế đầu vào mà họ đã nộp cho ngân sách từ trước. Việc hoàn thuế thì điều kiện khắt khe hơn nhiều. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp có thuế đầu vào lũy kế kiên tục trên 3 tháng thì được hoàn thuế đầu vào còn bây giờ phải từ 12 trở lên mới được.”.
Một trong những nội dung mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung áp dụng từ 1/7/2013 là đưa ra cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Đây là cơ chế cho phép doanh nghiệp nộp thuế ở mức giá thỏa thuận trước với cơ quan thuế bất chấp lỗ lãi.
Thực tế thời gian qua, tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là khá phổ biến, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Thủ thuật chuyển giá của doanh nghiệp rất tinh vi như: nâng khống giá trị góp vốn bằng máy móc, thiết bị, bản quyền..., giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, các chi phí dịch vụ… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh này, Luật thuế quy định nội dung về thỏa thuận trước về giá tính thuế được xem là đột phá trong công tác quản lý thuế, chống tình trạng chuyển giá tại các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp (FDI).
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: “Quy định của Luật nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh và đặc biệt là làm rõ xác định giá tính thuế. Trước khi làm ra sản phẩm chịu thuế phải thống nhất giá tính thuế là bao nhiêu, như vậy thì sẽ rõ ràng với doanh nghiệp, tránh rủi ro; còn cơ quan thuế quản lý số thu đầy đủ hơn và tránh tình trạng chuyển giá trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tài chính học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế để có áp dụng thích hợp với thực tiễn Việt Nam. Doanh nghiệp hiện nay chưa áp dụng phương pháp này, cần phải nghiên cứu để áp dụng”.
Theo VOV (QT)