Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Hòa Phát, Hoa Sen muốn đầu tư dự án thép Guang Lian

12/11/2015 - 03:42 CH

Theo nguồn tin từ Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất, sau khi chủ đầu tư dự án thép Guang Lian (vốn đầu tư nhiều tỉ đô la Mỹ) chính thức thông báo không thể thu xếp tài chính cho dự án hồi giữa năm nay thì đến nay đã có hai tập đoàn thép lớn trong nước là Hoa SenHòa Phát quan tâm đến dự án này.
Hai công ty thép trong nước là Hoa Sen và Hòa Phát có ý định phát triển dự án thép ngay tại vị trí của dự án thép Guang Lian đã dừng thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Hoa Sen và Hòa Phát đều muốn phát triển dự án thép ngay tại vị trí của dự án thép Guang Lian đã dừng thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đầu tư tư theo hình thức nào thì cả hai đang nghiên cứu. Theo nguồn tin này có hai phương án mà nhà đầu tư có thể xem xét lựa chọn là nhận chuyển nhượng dự án thép Guang Lian hay đầu tư mới trên một phần diện tích đất đã bố trí cho dự án nhà máy thép Guang Lian.

Cụ thể theo đề xuất của Hòa Phát, dự án Nhà máy thép liên hợp sẽ có công suất 4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư có thể lên đến 2-2,5 tỉ đô la Mỹ và được chia làm hai giai đoạn. Số vốn này sẽ được xác định chính xác khi lập dự án. Trong đó vốn của chủ đầu tư là 65% còn lại là vốn vay thương mại.

Nhà đầu tư yêu cầu diện tích đất khoảng 300-350 héc ta, trong đó giai đoạn 1 khoảng 150 héc ta; vị trí khu đất là của nhà máy thép Guang Lian đã dừng triển khai hiện nay.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi trong văn bản nói trên, Tập đoàn Hòa phát có năng lực, kinh nghiệm đầu tư và vận hành hiệu quả nhà máy luyện cán thép 1,2 triệu tấn/năm và đang mở rộng nâng công suất lên 1,7 triệu tấn/năm ở Hải Dương, có tiềm lực tài chính; cho nên khả năng huy động vốn trong giai đoạn 1 trong vòng ba năm của Tập đoàn Hòa Phát là khả thi.

Tuy vậy, UBND Tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, so với dự án thép Guang Lian có diện tích sử dụng đất 504 héc ta, công suất 5 triệu tấn/năm thì dự án Nhà máy thép Hòa Phát nhỏ hơn, chủng loại sản phẩm ít hơn, do vậy việc đề nghị thỏa thuận diện tích đất cho dự án Thép Hòa Phát từ 300-350 héc ta là hợp lý.

Với dự án này, Hòa Phát đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được hưởng các ưu đãi về thuế và tiền thuê đất tương tự dự án thép Guang Lian; đồng thời đề nghị giải quyết dứt điểm đền bù đất đai, tài sản gắn liền với đất của dự án Guang Lian và nhà đầu tư mới sẽ tính toán việc thanh toán lại.

Theo UBND Tỉnh Quảng Ngãi, nếu Hòa Phát nhận chuyển nhượng dự án Thép Guang Lian và không điều chỉnh dự án (giữ nguyên mục tiêu, quy mô công suất và diện tích sử dụng đất...) thì dự án tiếp tục được hưởng ưu đãi đã được thể hiện trong Giấy chứng nhận đầu tư ban đầu cấp cho Guang Lian. Còn nếu sau khi nhận chuyển nhượng, Tập đoàn Hòa Phát tiến hành điều chỉnh dự án thì ưu đãi sẽ thay đổi. UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý rằng cả hai trường hợp này đều phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

 
Vị trí xây dựng dự án nhà máy thép Guang Lian ở khu kinh tế Dung Quất có thể được nhà đầu tư trong nước thực hiện. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp thép

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản trả lời về những ưu đãi tương tự như trên với Tập đoàn Hoa Sen liên quan đến việc tập đoàn này muốn xem xét đầu tư dự án ngay tại vị trí của dự án nhà máy thép Guang Lian. UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý với nhà đầu tư rằng "Trường hợp đầu tư mới thì ưu đãi cho dự án thép mới sẽ áp dụng theo luật mới (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…) bởi dự án luyện cán thép theo Luật Đầu tư (mới) không còn là lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư nữa.”

UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Tập đoàn Hoa Sen nên chọn công suất 3-5 triệu tấn bởi công suất này phù hợp với khả năng đáp ứng về đất, cảng và độ sâu luồng cảng cũng như thời gian sử dụng đất phù hợp với phân kỳ đầu tư. Nếu chọn công suất 5 triệu tấn cho dự án thì diện tích chiếm đất tối đa bằng diện tích dự án thép Guang Lian (504 héc ta).

Dù Quảng Ngãi đã gửi văn bản chính thức cho Tập đoàn Hoa Sen về các vấn đề khi đầu tư vào dự án này, nhưng đến nay tỉnh này vẫn chưa nhận được trả lời của Tập đoàn Hoa Sen. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tại các cuộc họp, các sở ngành của tỉnh đều ủng hộ giao Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đầu tư dự án thép Guang Lian.

UBND tỉnh cũng có ý kiến rằng nếu Hòa Phát đầu tư mới dự án này thì tỉnh cũng đề xuất xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dự án này áp dụng thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% kéo dài thêm 15 năm (tổng cộng 30 năm). Đề xuất ưu đãi này giống như những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà dự án thép Guang Lian nhận được khi được cấp phép.

Dự án thép Guang Lian bị trì hoãn gần chục năm

Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được hình thành từ năm 2006, khởi đầu là do Công ty Tycoons (Đài Loan) đề xuất. Dự kiến nhà máy sẽ có công suất 5 triệu tấn thép/năm và tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Không lâu sau đó, dự án có thêm nhà đầu tư mới là Công ty E-United. Hai nhà đầu tư đến từ Đài Loan này nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian. Theo giấy phép đầu tư, E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với tỷ lệ vốn góp lên đến 90%, Tycoons chỉ góp 10%.

Năm 2011, hai nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn thép/năm; đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên thành 4,5 tỉ đô la Mỹ. Đề xuất này của nhà đầu tư đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nhưng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất chưa cấp lại giấy chứng nhận vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án.

Trong khi việc thu xếp vốn của E-United gần như bế tắc thì đầu năm 2012, dự án này được tập đoàn JFE (Nhật Bản) “để mắt” tới. JFE được đánh giá là tập đoàn sản xuất thép lớn trên thế giới, có năng lực tài chính, công nghệ, và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép.

Tháng 4-2012, tập đoàn JFE cùng E-United đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác; theo đó JFE sẽ nghiên cứu tính khả thi của dự án, xác nhận các vấn đề liên quan đến thiết bị, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, điều kiện ưu đãi đầu tư... trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu, đến tháng 9-2014, JFE chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.

Sau khi Tập đoàn JFE  tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian, nhà đầu tư lớn còn lại là E-United đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn dự án này xuống còn 2 tỉ đô la Mỹ.

Việc điều chỉnh xin giảm vốn này của tập đoàn E-United cũng đồng thời làm thay đổi sản phẩm thép làm ra. Nhà đầu tư đề xuất sẽ sản xuất thép tấm thay vì là thép kỹ thuật cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm được nguồn vốn đầu tư.

Đến giữa năm nay, Tập đoàn E-United (Đài Loan) đã chính thức thông báo việc không thể thu xếp tài chính cho dự án hiện nay. Tuy nhiên nhà đầu tư này lại không đề cập chuyện dừng thực hiện dự án.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng dự án đã đủ điều kiện để thu hồi giấy phép và đã đề nghị chủ đầu tư ngưng tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đồng thời tỉnh cũng đang xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo TBKTSG

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng