Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Kinh doanh khả quan, cổ phiếu nhóm ngành thép vẫn giao dịch ảm đạm

23/11/2015 - 04:19 CH

Hoạt động kinh doanh tốt thường sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu trên sàn nhưng với nhóm cổ phiếu ngành thép thì lại không như vậy. Trái với không khí hồ hởi khi các doanh nghiệp ngành thép công bố kết quả quý 3 thì giá cổ phiếu của ngành thép vẫn đang có những phiên giao dịch ảm đạm.
Lợi nhuận khả quan

Báo cáo của Trung tâm thông tin, Bộ Công thương cho biết, hầu hết các doanh nghiệp (DN) thép đều đạt lợi nhuận khả quan nhờ nhu cầu thép trong nước tăng. Trong 9 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cả nước đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 12 doanh nghiệp thép niêm yết cổ phiếu trên sàn, hiện còn 3 DN chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2015 là Hữu Liên Á Châu (HLA), Đại Thiên Lộc (DTL) và Pomina (POM). Các DN còn lại đều công bố kết quả rất khả quan. Cụ thể, tại buổi “Gặp mặt nhà đầu tư” mới đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố doanh thu quý 3/2015 đạt 6.948 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 1.036 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy. LNST 9 tháng đầu năm 2015 của HPG đạt 2.938 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch năm.

Tăng trưởng doanh thu mạnh nhất quý 3 thuộc về Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) (+177%), LNST (+118%). Trong quý này, Thép Việt Ý (VIS) cũng đạt mức lãi cao nhất trong suốt 10 quý vừa qua.

Công ty CP Thép Biên Hòa (VCA) cũng thu về 356,8 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt 1.115,9 tỷ đồng. LNST ghi nhận ở mức 11,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 66,2 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay, LNST của VCA đạt 31,7 tỷ đồng. Chỉ có Thép Dana Ý (DNY) công bố lãi giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng lũy kế 9 tháng vẫn lãi 5,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính mà các công ty ngành thép đều báo cáo lãi trong quý 3 là kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, bất động sản khởi sắc nên nhu cầu của ngành thép cũng tăng cao. Bên cạnh đó, mỗi công ty thép đều có thế mạnh phát triển của riêng mình.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của HPG, cho biết: “Mảng ống thép sản xuất tăng trưởng mạnh, sản lượng tiêu thụ khoảng 300.000 tấn, đạt 78% kế hoạch bán hàng trong năm 2015”.

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định chung về kết quả kinh doanh của HSG có được là do sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp cả nước cùng với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu.

Còn theo giải trình từ phía VIS, do bám sát thị trường, Công ty đã sớm nhận định được tình hình và chủ động đưa ra phương án kinh doanh phù hợp. Các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đã được ký kết với mức giá hợp lý, kết hợp với việc áp dụng các biện pháp sản xuất tối ưu nhằm giảm tỷ lệ tiêu hao, giảm giá thành sản phẩm nên kết quả VIS đã có lãi cao trong quý 3/2015.

 
Các công ty ngành thép đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2015.

Cổ phiếu giao dịch ảm đạm

Trái với tình hình kinh doanh khả quan, cổ phiếu nhóm ngành này lại giao dịch rất ảm đạm..

Cổ phiếu HPG liên tục đi xuống từ mốc 38.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10/2014 xuống mốc khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2015. Trong giai đoạn nửa cuối quý 2 và quý 3/2015, giá HPG đã phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng giá giai đoạn cuối năm 2014. Hiện thị giá cổ phiếu của đại gia Hòa Phát đang ở mức khoảng 33.000 đồng/cổ phiếu.

Đã giao dịch không mấy thuận lợi, HPG còn chứng kiến các quỹ ngoại ồ ạt giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, theo báo cáo thường niên của HPG, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2015, cơ cấu cổ đông tại đây có đến 42% là nước ngoài, trong đó có nhóm Dragon Capital 8,82%, nhóm VOF (thuộc VinaCapital) 6,49%, nhóm Deutsche Bank 6,13%, Private Equity New Markets II K/S 2,98% (các cổ đông nước ngoài khác nắm dưới 2% vốn). Tuy nhiên, nhóm VinaCapital đã không chỉ thực hiện thoái vốn mà còn rút hết người khỏi ban lãnh đạo của HPG. Nguyên nhân dẫn đến việc này là HPG đã bị “mất lòng” khối ngoại khi “lấn sân” sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chẳng liên quan gì đến thép.

Tương tự, cổ phiếu HSG cũng bắt đầu rớt giá từ mức trên 45.000 đồng/cổ phiếu khoảng tháng 1/2015 xuống đáy chỉ còn hơn 30.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4/2015. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu HSG đã hồi phục trở lại từ tháng 4/2015 đến nay và dập dềnh quanh mức khoảng 42.000 đồng/cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch hôm 18/11, cổ phiếu của Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đã giao dịch ở mức 47.000 đồng/cổ phiếu, giảm 4% trong một tháng qua, giảm hơn 24% sau 1 quý, giảm 43% sau 1 năm và gần 80% kể từ khi niêm yết. Còn nếu xét riêng trong xu hướng giảm bắt đầu từ cuối tháng 3/2014 thì TLH đã giảm gần 53%.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng” đối với nhóm cổ phiếu thép. Liệu sau những thăng trầm, nhóm cổ phiếu ngành thép có khởi sắc vào năm sau hay không vẫn còn là câu hỏi khó có lời giải. Bởi tại thời điểm này, ngành thép cũng đang đối diện với không ít khó khăn.

Theo NTD

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng