Năm 2015, Chính phủ sẽ kết hợp triển khai mới 54 dự án hạ tầng giao thông cũng như đẩy mạnh tiến độ nhiều dự án cầu đường quan trọng như Quốc lộ 1A mở rộng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến metro số 1 Suối Tiên - Bến Thành.... Tuy vậy, các doanh nghiệp xây lắp và xây dựng cầu đường tiếp tục đối mặt rủi ro về dòng tiền tiến độ thanh toán từ ngân sách Nhà nước cho các dự án thường khá chậm.
Riêng về mảng xây dựng dân dụng, dù không tăng trưởng như mảng xây dựng hạ tầng, nhưng mảng này cũng có thể tăng tốc trong năm nay nhờ sự ấm lên của thị trường
bất động sản. Từ đó, nguồn công việc mới cho các nhà thầu xây dựng được dự báo sẽ dồi dào hơn khi nhiều dự án
BĐS được đầu tư hoặc khởi động lại. VDSC cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp là khá đảm bảo nhưng khả năng thu tiền của các doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa thể cải thiện trong năm nay. Bên cạnh đó, do cạnh tranh nên biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây dựng dân dụng có thể vẫn duy trì ở mức thấp.
Tuy trong năm vừa qua, các
cổ phiếu trong ngành xây dựng chưa ghi nhận các đợt “sóng” trên thị trường như ngành
bất động sản nhưng nội tại ngành đang có những bước chuyển biến đáng chú ý.
Năm nay, kế hoạch giải ngân từ ngân sách Nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng chỉ bằng một nửa so với con số thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Đấu thầu 2014 được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân cho ngành giao thông thông qua các hợp đồng hợp tác công-tư (PPP) và tạo ra cú huých đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng từ năm nay.
Qua đó, VDSC nhận thấy chuyển biến về mặt vĩ mô ngành đang có những bước tiến triển khả quan nhưng đặc thù riêng của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành (dòng tiền, biên lợi nhuận,…) vẫn đang còn nghi ngại.
Theo NDH