Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Thị trường BĐS đã có bước chuyển biến tích cực

18/01/2014 - 04:33 CH

Thực tế cho thấy, sau gần 1 năm nỗ lực "phá băng” thị trường BĐS theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thị trường này đã có bước chuyển biến khi nhiều dự án được khởi động trở lại và nhu cầu tăng dần.
Thị trường bất động sản (BĐS) đã thực sự khởi sắc? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nhưng những ngày này, thị trường BĐS như có vẻ chuyển mình  rõ hơn, bởi nhiều người muốn có một căn hộ đón Tết. Tuy nhiên, giới chuyên gia về BĐS lại cho rằng, trước Tết năm nay giao dịch BĐS không thật sự sôi nổi như thường lệ, bởi "khối băng” BĐS vẫn rất chắc chắn. Nhưng, ở một khía cạnh khác, người ta lại hy vọng bởi nguồn vốn "ngoại” đang chảy vào BĐS Việt Nam.
 
  
Theo các chuyên gia kinh tế,  thị trường bất động sản đã có xu hướng ấm dần lên
 
Dòng vốn ngoại

Mới đây, hãng Bloomberg đưa tin, Rose Rock - công ty đầu tư của gia đình tài phiệt dầu mỏ Rockefeller sẽ rót 2,5 tỷ USD vào một dự án chung cư, khách sạn tại Vũng Rô (tỉnh Phú Yên). Dự án này bao gồm hệ thống khách sạn hơn 760 phòng, 4.300 căn hộ, 100 nhà liền kề và cửa hàng bán lẻ, cùng nhiều công trình khác. Trước đó, cũng tại Vũng Rô (dưới chân Đèo Cả), một dự án hơn 3 tỉ USD cũng đã được liên doanh nước ngoài "rót” vốn.

Trở lại với dự án BĐS kể trên, Chủ tịch Rose Rock- ông Collin Eckles nói với Bloomberg, tập đoàn này kỳ vọng dự án sẽ trở thành điểm đến ưa thích trong khu vực châu Á - Thái Bình dương của khách du lịch và những cư dân muốn có phong cách sống hiện đại. Theo Collinn Eckles, thị trường BĐS của Việt Nam đã ấm lên, du lịch đã không chỉ là "tiềm năng” mà đã thực sự phát triển. Việt Nam không chỉ cuốn hút du khách nước ngoài bằng những giá trị thiên nhiên sẵn có, mà sẽ phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ hoàn hảo.

Trước đó, tuần cuối của tháng 12-2013, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và các công ty con đã thực hiện thương vụ mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại Hàng Hải (Marproco), đơn vị sở hữu và khai thác tòa nhà Gemadept Tower, do Công ty Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept) sở hữu 100% vốn đã chuyển nhượng 85% vốn góp cho CJ.
 
Lui lại chút ít, cuối tháng 11-2013, Công ty Becamex Tokyu (liên doanh giữa tỉnh Bình Dương và Nhật) công bố khu thương mại của khu đô thị Tokyu Bình Dương Garden City để mời gọi các nhà bán lẻ vào dự án tỷ đô. Hai khu bán lẻ của Sora Garden đang xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2014. Đây là dự án thành phần của khu đô thị nằm trong thành phố mới Bình Dương. Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu, ông Nakata Yasuyuki cho biết: "Hiện tại thị trường địa ốc vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi đầu tư dài hạn nên vẫn từng bước rót vốn vào Việt Nam. Tokyu đang thăm dò thị trường cho các giai đoạn sau của cả khu đô thị 1,2 tỷ USD trong tương lai”.

Còn tại miền Trung, nhà đầu tư vào lĩnh vực BĐS đến từ Trung Quốc cũng đã bắt đầu lộ diện. Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam thì năm 2013 thị trường BĐSViệt Nam chứng kiến khá nhiều giao dịch M&A (mua bán- sáp nhập) của khối ngoại, trong đó nhà đầu tư châu Á nổi trội nhất. Vẫn theo ông Khương, sở dĩ BĐS Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư châu Á vì thị trường này của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, vẫn còn rất nhiều "khoảng trống”. Vì thế, rất nhiều khả năng "khối ngoại” sẽ đổ vào thị trường BĐS Việt Nam nhiều hơn trong năm 2014. "Tác động tích cực trước mắt là cú hích tâm lý nhưng về lâu dài đây là chiến lược mở rộng sân chơi lớn hơn cho bất động sản, tăng cơ hội huy động vốn FDI”, ông Khương nhận định.
 
Tuy nhiên,Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam- Marc Townsend nhận xét rằng, các nhà đầu tư vẫn  tỏ ra thận trọng, họ chỉ bước từng bước một và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơi hơn. Nhưng với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, về lâu dài sóng FDI đổ vào BĐS sẽ có xu hướng mạnh dần, ông Marc Townsend nhìn nhận.
 
 
 
Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng


Thực tế cho thấy, sau gần 1 năm nỗ lực "phá băng” thị trường BĐS theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thị trường này đã có bước chuyển biến khi nhiều dự án được khởi động trở lại và nhu cầu tăng dần.

Theo Bộ Xây dựng, sau những bước khởi động chậm chạp hồi đầu năm 2013, tới nay thị trường BĐS đã có bước chuyển biến tích cực. Mà rõ nhất là sự thay đổi trong tư duy của các chủ đầu tư dự án về phân khúc nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.
 
Về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1.256 khách hàng, tổng số tiền 1.562 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng 470,8 tỷ đồng. Cụ thể, các ngân hàng đã cam kết cho 1.246 khách hàng cá nhân vay, với tổng số tiền 452,1 tỷ đồng; đã giải ngân cho 1.231 khách hàng, với dư nợ 294,7 tỷ đồng. Khách hàng là doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại có 10 doanh nghiệp được vay, với số tiền cam kết 1.110 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 5 doanh nghiệp với số tiền 176,07 tỷ đồng. Theo ông Vũ Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, khả năng giải ngân sẽ tăng mạnh khi các dự án được khởi công trong năm 2013 có thể bán đến tay khách hàng trong năm nay, bởi theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ giải ngân cho khách hàng khi có hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư với khách hàng.
 
Với Hà Nội, UBND Thành phố đã chấp thuận cho phép khởi công 14 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 12,9 ha, quy mô 1,24 triệu m2, với 15.412 căn hộ. Trong đó, 6 dự án đã hoàn thành và đã bán trên 3.100 căn hộ. Hiện có 8 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, với quy mô khoảng 12.300 căn hộ, trong đó, Dự án Đặng Xá của Viglacera sẽ được bàn giao trước Tết Nguyên đán, với mức giá thấp nhất là 310 triệu đồng/căn hộ (đã bao gồm VAT). Còn TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận đầu tư 25 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 83,7 ha để xây dựng khoảng 21.750 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn xây dựng 1.754.360 m2. Trong đó, có 20 dự án nhà ở xã hội có nguồn gốc đất là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, với tổng diện tích đất 73,162 ha, dự kiến đầu tư khoảng 16.000 căn nhà ở xã hội, tổng mức đầu tư 10.470 tỷ đồng. Ngoài ra, có 5 dự án sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng (theo quy định tại Quyết định 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tường Chính phủ), tổng diện tích đất 10,54 ha, quy mô khoảng 5.800 căn hộ.
 
Tuy nhiên, một số chuyên gia lĩnh vực BĐS vẫn cảnh báo rằng, trong vòng 1 năm (2014) vẫn chưa thể phá băng BĐS, bởi lẽ 2013 là một năm thất bát của thị trường BĐS và hậu quả của nó còn kéo sang năm 2014. Câu hỏi: Vì sao giá căn hộ giảm đến mức nhiều người cho là hấp dẫn nhưng giao dịch vẫn thấp? vẫn chưa được trả lời.
 
Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng giấc mơ phá băng thị trường BĐS trong năm 2014 không phải là hão huyền. Bởi lẽ dòng vốn ngoại đang chảy mạnh vào thị trường BĐS Việt Nam; gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã được giải ngân nhanh hơn và nhà ở thương mại đắt tiền chuyển sang thành những căn hộ "giá cả vừa phải” sẽ giúp thị trường này chuyển động.

CFC - ĐĐK

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng