Theo ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch VSA, cho biết: Nhu cầu
tiêu thụ thép xây dựng cả nước trong năm 2015 dự báo gần 6 triệu tấn, nhưng công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước hiện lên đến 11 triệu tấn. Không chỉ có thép xây dựng, tình trạng cung vượt từ 1,5 đến 2 lần nhu cầu sử dụng cũng xảy ra đối các nhà sản xuất phôi thép, tôn mạ và tôn phủ màu. Cụ thể công suất phôi thép là 10 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ 5,5 triệu tấn/năm, công suất tôn mạ và sơn phủ màu đạt 2,5 triệu tấn/năm nhưng tiêu thụ chỉ khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Do đó, việc xem xét cắt giảm dự án thép không phù hợp quy hoạch, công nghệ lạc hậu là việc cần làm ngay.
“Cung gấp đôi cầu nên hiệp hội thép muốn kiến nghị theo hướng hạn chế, loại bỏ bớt dự án thép không phù hợp. Thông thường cung chỉ hơn cầu tối đa 30% nhưng ở Việt Nam cung thép đã gấp đôi cầu là sự bất hợp lý. Các nước khác cũng chỉ kiểm soát cung vượt cầu khoảng 20 - 30% để ngành thép còn phát triển,” ông Thái cho hay.
Hiện nay, theo ước tính của VSA, có 28 trong số 42 dự án đã đăng ký thực hiện giai đoạn 2013 - 2025 ít khả thi do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định quy hoạch ngành thép, quy định về quá trình cấp phép đầu tư.
Sự đầu tư tràn lan trong
ngành thép những năm gần đây đẩy chính ngành thép vào tính thế càng lúc càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt khi công suất của nhiều loại như phôi, thép xây dựng, thép tấm cán nguội,
ống thép, tôn mạ và
tôn phủ màu đến nay đều đã vượt nhu cầu từ 1,5 đến 2 lần, kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Dự án thép Formosa tại Hà Tĩnh. Chuyên gia ngành thép Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chia sẻ nguyên nhân chủ yếu của tình trạng cung vượt cầu là do trước đây nhiều địa phương chạy đua cấp phép dự án thép tràn lan, không tuân theo quy hoạch ngành thép.
Ông Cường cho biết trước đây Hiệp hội thép đã nhiều lần kiến nghị các bộ ngành, địa phương nên kiểm soát, không nên chấp thuận bừa bãi các dự án thép sẽ gây ra mất cân đối cung cầu. Đầu tư ồ ạt đến độ mất cân đối cung cầu cũng là sự lãng phí về mặt đầu tư xã hội.
Hậu quả của tình trạng cung vượt cầu đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong vài năm gần đây phải rút khỏi các dự án thép bởi tiềm lực tài chính yếu, công nghệ thấp nên giá thành cao, khó cạnh tranh. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực vốn và đầu tư công nghệ cao hơn nên chất lượng tốt hơn, xuất khẩu được là có thể trụ lại. Cũng có doanh nghiệp thép bắt đầu kêu lỗ, dẹp bỏ sản xuất, đặc biệt khu vực phía Bắc do cạnh tranh khốc liệt hơn nên số nhà máy thép bị đóng cửa nhiều hơn.
Trước đây, trong một văn bản gởi Bộ Công Thương cuối năm 2014, Hiệp hội Thép Việt Nam đã từng kiến nghị bộ này cần tăng cường rà soát các dự án thép nhằm loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan gây mất cân đối cung cầu thị trường thép trong nước.
Theo TBKTSG