Nguyên liệu sản xuất thép xây dựng khan hiếm dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp xây dựng.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã thực hiện các biện pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng nhưng giá các mặt hàng này vẫn liên tục tăng. Tại thời điểm cuối tháng 7/2021, thị trường trong tỉnh Vĩnh Phúc đã dần bình ổn giá nhưng vẫn ở mức cao: Dòng thép cuộn CB240 dao động từ 16.090 - 16.340 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 16.290 - 16.680 đồng/kg. Riêng mặt hàng cát đen tăng hơn 10.000 đồng/m3…
Việc giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng, khiến nhiều gia đình và các nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", thậm chí tạm dừng thi công, nếu không thì phải chấp nhận chi phí đội lên cao hơn so với dự toán ban đầu.
Chị Nguyễn Thị Minh, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên cho biết: “Năm nay 2 vợ chồng tôi đều được tuổi xây nhà, ngay từ tháng 3, gia đình đã thuê thợ để khởi công xây dựng, nhưng đến nay công trình vẫn chưa đâu vào đâu. Một trong những nguyên nhân khiến công trình chậm tiến độ là nguyên vật liệu liên tục tăng giá. Ngôi nhà này gia đình dự kiến xây 3 tầng, ban đầu dự trù kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này tính cả phát sinh, tổng chi phí đã lên tới gần 2 tỷ đồng”.
Không chỉ các công trình dân dụng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng. Anh Trần Cao Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng và thương mại Xuân Hòa (Phúc Yên) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch, cát sỏi, xi măng… tăng giá liên tục so với những năm trước; trong đó, tăng mạnh nhất là sắt thép, có thời điểm tăng hơn 40%.
Những năm trước, nếu có tăng thì chỉ tăng một vài trăm đồng/kg, nhưng từ đầu năm đến nay có thời điểm tăng gần 10 nghìn đồng/kg, tùy từng loại sắt thép. Giá vật liệu tăng, nhiều hộ gia đình, chủ thầu đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngừng thi công để chờ hạ giá.
Cũng có khách hàng vẫn tiếp tục hợp đồng cung ứng vật liệu nhưng phải cắt giảm diện tích xây dựng, hoặc giảm bớt chất lượng nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh nên chất lượng công trình chắc chắn sẽ giảm đi. Điều này khiến cho lượng vật liệu bán ra của đơn vị giảm mạnh, doanh thu giảm hơn 50% so với trước đây”.
Việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cũng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhà thầu bởi chi phí xây dựng tăng mạnh, khiến giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng, bởi tại thời điểm hợp đồng với chủ đầu tư, giá sắt thép còn thấp nhưng đến lúc thi công giá sắt thép lại tăng cao.
Theo anh Tạ Phan Kiên, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở thành phố Vĩnh Yên: Các doanh nghiệp xây dựng thường làm hợp đồng với chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói nên khi giá các loại vật liệu tăng thì phía nhà thầu phải tự chịu. Đã có không ít nhà thầu “không chịu được nhiệt” đành chấp nhận bỏ ngang công trình để cắt lỗ.
Hiện nay, không chỉ sắt thép mà trên thị trường, các loại vật liệu khác như cát sỏi, xi măng cũng đồng loạt tăng giá. Cát xây dựng ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp muốn mua số lượng lớn đều phải đặt hàng trước mới có.
Thời gian qua, để giữ chữ tín với đối tác, công ty đã phải bù lỗ hơn 1 tỷ đồng tiền vật liệu xây dựng để hoàn thiện các công trình đã ký kết. Hiện, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường nên các doanh nghiệp khó vẫn hoàn khó. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tự tìm các giải pháp để khắc phục những khó khăn nêu trên.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, cuối quý I/2021 đến nay, giá một số loại vật liệu tăng cao, trong đó giá thép xây dựng tăng đột biến 30 - 40%. Giá vật liệu xây dựng tăng là do nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu đầu vào bị hạn chế do Covid-19.
Việc tăng giá vật liệu xây dựng đã làm tăng chi phí xây dựng, các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc thi công xây dựng; nhiều công trình phải giãn tiến độ, một số nhà thầu sau khi trúng thầu nhưng không thực hiện; một số chủ đầu tư dự án xây dựng sử dụng vốn nhà nước vẫn phải chờ chủ trương chung để điều chỉnh dự toán, tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng đã đề ra.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, Sở Xây dựng đã thực hiện tốt việc công bố chỉ số giá, chỉ tiêu thống kê ngành xây dựng, công bố giá theo định kỳ. Thường xuyên thực hiện công tác khảo sát, tổng hợp và đánh giá biến động thị trường đối với các loại vật liệu xây dựng thiết yếu.
Đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại vật liệu có giá không ổn định; có cơ chế linh hoạt giúp các chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp đã ký các hợp đồng theo hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói được phép điều chỉnh sang loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh hoặc có chính sách cho phép bù giá các loại vật liệu xây dựng chủ yếu có biến động lớn, đặc biệt là thép xây dựng…
VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Phúc)