>> Doanh nghiệp ngành thép tồn kho 66.000 tỉ đồng
>> Lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp còn khá cao
>> Tồn kho lớn sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp thép
Tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý 1.2023 ước tính vào khoảng 68.000 tỉ đồng, tăng 2.000 tỉ so với thời điểm cuối năm ngoái
Như vậy, sau 2 quý sụt giảm mạnh liên tiếp, tồn kho toàn ngành thép đã tăng nhẹ trở lại sau quý đầu năm nay. Hiện tại, tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung giai đoạn quý 2.2021 đến quý 3.2022.
Thực tế, sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý 2.2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong nửa cuối năm. Sau nhiều lần giảm giá bán, cắt giảm sản xuất, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm cuối năm 2022 rơi xuống mức thấp nhất kể từ quý 1.2021.
Dẫn đầu danh sách là Tập đoàn Hòa Phát khi tồn kho của doanh nghiệp này ở mức 34.600 tỉ đồng, chiếm một nửa tổng giá trị tồn kho của toàn ngành. Trong đó, nguyên vật liệu chiếm 46%, thành phẩm chiếm hơn 23%%, còn lại là công cụ dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi bán, và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Đáng chú ý, dự phòng giảm giá tại thời điểm 31.3 của doanh nghiệp này chỉ chưa đến 290 tỉ đồng trong khi con số cuối năm ngoái lên đến hơn 1.200 tỉ đồng.
Trước đó, Hòa Phát đã dùng số hàng tồn kho có giá trị ghi sổ 15.603 tỉ đồng tại ngày 31.12.2022 để thế chấp tại các ngân hàng cho khoản nợ vay hơn 57.000 tỉ đồng.
Doanh nghiệp do tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch cho biết, trong bối cảnh sức tiêu thụ chậm, thị trường than và quặng thiếu ổn định, doanh nghiệp này đã duy trì thắt chặt kiểm soát tồn nguyên nhiên liệu. Nhờ đó, số ngày tồn kho nguyên nhiên liệu trong quý đầu năm tăng nhẹ ở mức 72 ngày so với 61 ngày cuối năm 2022 để chuẩn bị đầu vào cho khôi phục sản xuất trong những tháng sắp tới.
Tương tự, số dư hàng tồn kho của Hòa Phát tại 31.3 giảm xuống hơn 1.100 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2022 do tồn thành phẩm giảm mạnh, hạ thấp tỉ trọng thành phẩm từ 50% xuống 38%.
Không chỉ riêng Hòa Phát, hàng tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép như Hoa Sen, Thép Nam Kim, VnSteel, Pomina… cũng đều đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm ngoái.
Đến cuối quý 1.2023, hàng tồn kho của Hoa Sen ghi nhận hơn 7.000 tỉ đồng trong khi Thép Nam Kim cũng ở mức cao 6.600 tỉ đồng. Trong đó lớn nhất là tồn kho thành phẩm với hơn 3.300 tỉ đồng. Lượng tồn kho giảm so với cuối năm 2022 nhưng doanh nghiệp này phải trích dự phòng gần 145 tỉ đồng.
Xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm là yếu tố chủ yếu giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dự phòng giảm giá tồn kho. Tuy nhiên, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại trên các doanh nghiệp thép trong thời gian tới.
VLXD.org (TH/ lược trích theo cafeland)