Nhà ở xanh đang được đặc biệt quan tâm tại các đô thị
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KTS TP.HCM cho biết, mỗi quốc gia trên thế giới hiện nay đều có tiêu chí riêng về tỷ lệ cây xanh trong một đô thị, tùy vào điều kiện khí hậu khác nhau. Hiện nay, tại một số thành phố lớn của Việt Nam do quá trình đô thị hóa nhanh đã đặt ra các quy chuẩn riêng về mảng kiến trúc xanh trong quy hoạch đô thị. Nhiều ý kiến của các học giả cũng nhìn nhận tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đặt ra những tính toán nghiêm túc về kiến trúc đô thị để thích ứng với sự biến đổi đó. Thậm chí, chính quyền TP.HCM đã nhiều lần tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham khảo tư vấn của chuyên gia quốc tế để ứng phó với BĐKH trong quy hoạch dài hạn.
Theo nghiên cứu, trong 5 năm trở lại đây đô thị lớn nhất nước đã hứng chịu nhiều thiệt hại do BĐKH. Riêng năm 2012, thống kê được gần 700 cây xanh các loại bị gãy đổ do sự bất thường của thời tiết. Thực tế này đặt ra vấn đề quy hoạch với tầm nhìn lâu dài cho việc phát triển mảng xanh đô thị. Trong đó, không đơn thuần để cải thiện mỹ quan, cảnh quan đô thị, mà nhà ở xanh trở thành tiêu chí của một đô thị hiện đại, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Các chuyên gia cũng nhìn nhận khía cạnh "lọc” không khí của mảng xanh trong đô thị, mà còn đóng góp vai trò như là "lá phổi” tiêu hóa khí thải CO2, tác nhân chính dẫn đến hiện tượng BĐKH. Đặc biệt, do đô thị hóa thiếu bền vững tại không ít các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đang chịu tác động của ô nhiễm không khí, ô nhiễm khí thải, khói thải từ hệ thống giao thông, các nhà máy, xí nghiệp, KCN, KCX tập trung.
Trước thực tế trên, Viện Môi trường – Tài nguyên TP.HCM đã khuyến nghị thành phố nên khuyến khích mở rộng, phát triển các khuôn viên cây xanh (tại các giao lộ giao thông, khu nhà ở cao tầng, cao ốc, khu dân cư,…), khuyến khích người dân trồng cây xanh trong nhà; đồng thời tuyên truyền người dân có ý thức bảo vệ cây xanh tại các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, hệ thống các giáo trình về xây dựng, kiến trúc đô thị cũng cần được đổi mới, bổ sung kiến thức, tư duy quy hoạch đô thị theo hướng phát triển hài hòa không gian xanh trong một đô thị hiện đại.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Ý (Giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM), vừa qua một nhóm nghiên cứu của trường đã tổ chức khảo sát về nhiệt, truyền sáng, truyền âm để lắp đặt hệ thống kính tiết kiệm năng lượng, cũng như bổ sung mảng xanh cho Phòng Thí nghiệm Vật lý Kiến trúc của trường. Kết quả cho thấy, các sản phẩm kính công nghiệp được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay lại chưa đáp ứng được điều kiện thực tế của diễn biến khí hậu TP.HCM. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Ý cũng ủng hộ việc phát triển nhà ở xanh trong đô thị, do có nhiều tiện ích, đặc biệt là về tiêu chí cảnh quan và sức khỏe cho cư dân đô thị.
Theo dự đoán, nhu cầu về nhà ở xanh sẽ là xu hướng tương lai của các đô thị và cho rằng, xu hướng này cũng sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản trong thời gian tới. Bà Almut Roessner (chuyên gia Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam) cho rằng, nhà ở xanh đang trở thành nhu cầu rất lớn tại các đô thị của Việt Nam. Từng có kinh nghiệm tư vấn giải pháp cho các công trình xanh sử dụng vật liệu năng lượng hiệu quả và thân thiện với môi trường, bà Almut Roessner khuyến nghị chính quyền các đô thị tại Việt Nam nên quan tâm đến phát triển các mảng xanh trong đô thị, vì đây cũng là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đưa vào tiêu chí quy hoạch đô thị.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lạc quan khi hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng đang ngày càng hoàn chỉnh, trong đó có đặt ra vấn đề phát triển bền vững. Đáng chú ý, Luật Bảo vệ và phát triển rừng hiện nay cũng đã đưa khái niệm mảng xanh đô thị vào các quy định cụ thể. Điều này cho thấy sự quan tâm đến BĐKH nói chung và sự phát triển bền vững của đô thị trong quá trình đô thị hóa ngày càng lớn. Tuy nhiên, để có quy hoạch hợp lý rất nhiều vấn đề đang đặt ra cho vấn đề này, liên quan đến chiến lược phát triển đồng bộ giữa quy hoạch đô thị, xây dựng, kiến trúc cảnh quan, sinh thái, giáo dục, khoa học, môi trường.
VLXD (Tổng hợp)