Tại Văn bản số 5604 ban hành ngày 8/9/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh là bám sát định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, khai khoáng (như công nghiệp nhiệt điện, khai thác than, xi măng…) theo định hướng xanh, sử dụng các biện pháp công nghệ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển đô thị và các ngành dịch vụ, du lịch, hướng tới phát triển dịch vụ du lịch theo định hướng bền vững.
Phát triển công nghiệp có chọn lọc, theo hướng bền vững, ổn định, duy trì các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng, sửa chữa, đóng mới tàu biển… theo hướng từng bước nâng cáo ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thân thiện với môi trường.
Do đó, để đảm bảo cảnh quan, môi trường đô thị, môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và môi trường tỉnh Quảng Ninh theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng theo hướng: Di chuyển các vị trí thực hiện dự án các nhà máy xi măng Thăng Long II, Hạ Long II về khu vực phía Bắc đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái (khu vực các huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Đầm Hà… Địa điểm cụ thể giao UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất trong quá trình triển khai dự án.
Quảng Ninh đề nghị di chuyển Dự án Nhà máy xi măng Thăng Long II về khu vực phía Bắc đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái.
Triển khai thực hiện các quy hoạch chiến lược của tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh kiến nghị: Đối với các dự án nhà máy xi măng nằm trong khu vực đô thị, ven Vịnh Cửa Lục, Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả, Thăng Long, Hạ Long, Lam Thạch) có ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như môi trường đô thị, môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, dừng việc mở rộng, nâng công suất các nhà máy hiện có, di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch lên phía Bắc đường cao tốc.
Trước mắt, yêu cầu các nhà máy có giải pháp đảm bảo các yêu cầu cảnh quan và môi trường khu vực lân cận. Sau năm 2030, khi các nhà máy ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời, quỹ đất các nhà máy hiện có (Cẩm Phả, Lam Thạch, Hạ Long, Thăng Long) sẽ được sử dụng để tái thiết, phát triển đô thị, phát triển công nghiệp sạch phù hợp.
Bên cạnh đó, liên quan đến Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, ông Nguyễn Mạnh Tuấn kiến nghị: Cân đối khả năng cung cấp than của ngành than cho sản xuất xi măng, điện; Bổ sung công nghệ bắt buộc vận chuyển nguyên liệu (than, đá, đất sét…); Bổ sung việc bắt buộc đầu tư trạm quan trắc môi trường gắn với dự án, trạm nghiền; Không khuyến khích mở rộng đầu tư sản xuất xi măng tại khu vực TP Hạ Long, huyện Hoành Bồ để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn di sản Hạ Long, đảm bảo an ninh quốc phòng; Không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài; Xác định cụ thể thời gian các dự án chấm dứt hoạt động để có lộ trình quản lý; Doanh nghiệp phải có hệ thống thông tin công khai, minh bạch các nội dung liên quan như: Khai thác khoáng sản, vận chuyển nguyên liệu, sản lượng xi măng, sản phẩm, quản lý môi trường…
Được biết, tại cuộc họp thẩm định về quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, ý kiến các chuyên gia đầu ngành, UBND các tỉnh, Sở chuyên môn cũng cho rằng, việc lập quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 không chỉ định hướng đầu tư lâu dài cho ngành công nghiệp xi măng theo các quan điểm, mục tiêu phát triển chung của đất nước và của từng vùng, tỉnh đề ra mà còn phải đồng thời kết hợp với việc quản lý tài nguyên trong dài hạn.
Theo Báo Xây dựng