Không sử dụng vật liệu cát, sỏi tự nhiên để san lấp công trình.
Thanh Hóa là một tỉnh có nguồn khoáng sản
cát, sỏi tự nhiên chất lượng tốt nhưng đến nay, tổng trữ lượng dự báo chỉ còn khoảng 14 triệu m3, trong khi công suất khai thác đã được cấp phép khoảng 950.000m3/năm, trữ lượng cát có nguy cơ cạn kiệt. Trong nhiều năm qua, việc xây dựng công trình như giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp đã sử dụng khối lượng cát san lấp rất lớn, gây lãng phí tài nguyên, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến việc khai thác cát trái phép, gây sạt lở, sụt, lún bờ sông, ảnh hưởng đề điều, đường xá...
Để đảm bảo sử dụng vật liệu cát, sỏi hiệu quả và tiết kiệm, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Chỉ thị số 18. Qua đó, yêu cầu các chủ đầu tư công trình xây dựng, các nhà thầu xây dựng, các đơn vị khai thác cát, sỏi, chế biến cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc khai thác hợp lý, sử dụng tránh lãng phí.
Chỉ sử dụng cát, sỏi tự nhiên vào mục đích sản xuất
bê tông, xây thô, trát. Không sử dụng cát, sỏi tự nhiên vào san lấp mặt bằng, đắp đường giao thông (trừ cát nhiễm mặn), các công trình sử dụng cát có nguồn gốc hợp pháp được công bố hợp quy chất lượng.
Các đơn vị khai thác cát không được cung cấp cát cho mục đích san lấp công trình. Khuyến khích sử dụng cát nghiền từ đá để sản xuất bê tông và
vữa (nếu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật); khuyến khích sử dụng phế thải
tro, xỉ từ các dự án sản xuất công nghiệp để san lấp mặt bằng (nếu đảm bảo chất lượng, kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật).
Ngoài ra, yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố không thẩm định thiết kế phê duyệt dự án đầu tư đối với các công trình sử dụng cát, sỏi tự nhiên để san lấp mặt bằng hoặc xử lý nền móng yếu, phải xác định độ nhiễm mặn phù hợp của vật liệu cát để đưa ra phương án xử lý chống sâm thực bề mặt công trình, tránh ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu của công trình, các dự án liền kề và đất sản xuất nông nghiệp. Không sử dụng cát nhiễm mặn để xây dựng, ảnh hưởng đến chất lượng công trình trong hiện tại và tương lai lâu dài của công trình.
Theo Báo Xây dựng