Trước nguy cơ của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm vật liệu xây dựng xanh bởi những tác dụng tích cực nó mang lại cho môi trường và chính sức khỏe của người sử dụng.
Chuyển đổi nhu cầu sử dụng vật liệu nung sang vật liệu xanh
Cùng với sự phát triển của đô thị thông minh, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giúp tiết kiệm được điện năng tiêu thụ đang là xu hướng mà người tiêu dùng tin chọn.
Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) ngày càng cho ra đời nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng “cao cấp hóa” của người tiêu dùng.
Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh góp phần tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều loại VLXD xanh đã được khuyến khích sử dụng, nhưng phổ biến nhất là VLXD không nung. Nguyên liệu sản xuất được lấy từ các phế thải công nghiệp, có khả năng tái sử dụng và dễ tiêu hủy sau khi không còn công năng.
Các loại vật liệu xanh được ưa chuộng hiện nay có thể kể đến như tấm thạch cao, tấm xi măng sợi không amiăng, gạch bê tông xanh, gạch không nung, sơn thân thiện môi trường, các loại ngói hoặc gạch được làm từ nguyên liệu phế thải công nghiệp hoặc nguyên liệu mới… Trong đó, tấm thạch cao được đánh giá là loại vật liệu nội thất đáng tin cậy và vượt trội. Trên thị trường VLXD hiện nay, tấm thạch cao không chỉ là vật liệu “xanh” mà còn là sản phẩm mang đến hiệu quả cao trong thiết kế, thi công, sử dụng và cả về hiệu quả kinh tế.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, tấm thạch cao ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các công trình.
Dự đoán trong những năm tới, nhu cầu về môi trường sống xanh và tiêu dùng xanh hứa hẹn trở thành tiêu chuẩn sống trong tương lai, để chất lượng "xanh" sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu của nhiều doanh nghiệp.
Tập đoàn Pháp tăng đầu tư nhà máy thạch cao tại Việt Nam
Nhận thấy xu thế phát triển tất yếu của vật liệu xanh, vật liệu xây dựng không nung, cụ thể là tấm thạch cao, tập đoàn Saint-Gobain Việt Nam đã tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất tấm thạch cao Gyproc thứ hai tại xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Nhà máy này sẽ sản xuất sản phẩm tấm thạch cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của thị trường trong nước và đặc biệt là các tỉnh miền Bắc một cách nhanh chóng.
Saint-Gobain Việt Nam cho biết đây là nhà máy sản xuất tấm thạch cao hiện đại nhất Đông Nam Á, đồng thời là nhà máy thân thiện với môi trường khi sử dụng dây chuyền mới, hạn chế gây ra tiếng ồn ở mức thấp nhất. Phương pháp gia nhiệt trực tiếp tiên tiến giúp giảm tới 20% năng lượng tiêu thụ so với sưởi ấm gián tiếp. Với diện tích 6.6 hecta nhà máy có 46% là khu vực xanh. Tiến trình sản xuất tự động được kiểm soát nghiêm ngặt bởi chương trình Saint-Gobain WCM - World Class Manufactoring: Chương trình Quản lý sản xuất Đẳng cấp thế giới theo hệ thống toàn diện và theo tiêu chuẩn EHS - Environmental Health and Safety: môi trường - sức khỏe và an toàn.
Saint-Gobain xây thêm nhà máy đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xanh đang tăng cao.
Bên cạnh nhà máy hiện đại và sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, thành công của Saint-Gobain trong việc khẳng định vị thế trên thị trường tại Việt Nam chính là mang đến các sản phẩm, giải pháp có giá trị khác biệt. Saint-Gobain không chỉ bán từng sản phẩm riêng lẻ, tập đoàn Pháp mang đến cho người dùng Việt Nam nhiều giải pháp trần tường thạch cao toàn diện với các công năng nổi bật về cách âm, chống cháy hay treo vật nặng…, để tạo ra một không gian sống tiện nghi nhưng thân thiện với môi trường.
VLXD.org (TH/ Dân trí)
Ý kiến của bạn