Fibro xi măng là vật liệu xây dựng đã có mặt hơn 100 năm trên thế giới và đang được kiểm soát thông qua những quy định pháp lý chặt chẽ tại các quốc gia. Tại Hội thảo, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương,Trưởng phòng Luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cung cấp bức tranh tổng quan về quy định dán nhãn sản phẩm này.
Theo đó Chính phủ Mỹ hiện không yêu cầu dán nhãn cảnh báo nguy hại đối với các trường hợp sợi amiang đã được cố định trong vật liệu và không có khả năng thải ra bụi trong quá trình sử dụng. Quy định này phù hợp với các sản phẩm fibro xi măng khi mà sợi amiang trắng đã được liên kết, bao bọc rất chặt chẽ và sâu với đá xi măng.
Tại Liên bang Nga, luật pháp không yêu cầu dán nhãn cảnh báo nguy hại đối với tấm lợp fibro xi măng mà chỉ yêu cầu những thông tin cơ bản như tên nhà sản xuất, độ dày tấm, số lô hàng hóa, hướng dẫn về bảo quản, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn liên bang GOST 303040-2012 và GOST 18124-2012.
Chất thải từ vật liệu này cũng không bị coi là chất thải nguy hại. Đối với Liên bang Nga, việc dán nhãn cảnh báo trong khi sản phẩm đã được khoa học chứng minh là an toàn có thể gây ra hiểu lầm cho người sử dụng. Quy định tương tự áp dụng cho các nước CIS như Kazakhstan, Kyrgystan hay Belarus...
Các quốc gia láng giềng với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia hiện cũng không yêu cầu dán nhãn vật liệu xi măng amiang trắng.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam chưa quy định dán nhãn cảnh báo nguy hại đối với các sản phẩm fibro xi măng có chứa amiang trắng. Tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT “Về quản lý chất thải nguy hại” và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định vật liệu amiang xi măng thải như tấm lợp đã qua sử dụng không phải là chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, mặc dù đã từng có những tranh luận trái chiều kéo dài nhiều năm về ảnh hưởng của amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp phibro xi măng và nhiều sản phẩm khác nhưng năm 2020 với việc ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/06/2020; Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 và Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2020 - 2030, định hướng 2050 là những cơ sở pháp lý quan trọng để ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng an tâm sản xuất kinh doanh và phát triển. Những văn bản pháp luật mới ban hành đều cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, những văn bản pháp luật đều dựa trên cơ sở khoa học và nền tảng thực tiễn. Với trường hợp của sản phẩm fibro xi măng, những kết quả nghiên cứu về tính chất kết dính cố định trong fibro xi măng cần được xem xét thấu đáo, nhất là khi các sợi amiang trắng đã bị khóa và không gây thoát sợi nguyên chất ra bên ngoài môi trường, dưới tác động của yếu tố tự nhiên và hầu như không gây hại cho sức khoẻ con người.
Việc lưu thông, sử dụng và tháo dỡ sản phẩm fibro xi măng cần áp dụng quy định an toàn thông thường, không cần thiết phải dán nhãn riêng biệt. Đây cũng là kinh nghiệm của các nước phát triển trong phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe người dân, PGS.TS. Lương Đức Long cho hay.
Năm 2020, những văn bản pháp luật bao gồm Luật Đầu tư sửa đổi, Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng tại Việt Nam từ 2020 - 2030, với định hướng đến 2050 cũng cho phép tiếp tục kinh doanh amiang trắng có điều kiện và các vật liệu có chứa amiang trắng liên quan.
Đối với doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng, sau khi Chính phủ ban hành các quy định về sử dụng an toàn thì các nhà máy đã bắt đầu đầu tư nâng cao công nghệ, hoàn thiện dây chuyền khép kín nhằm giảm phát tán bụi ra không khí và đa dạng hoá sản phẩm fibro xi măng. Nhiều công trình nhà tình nghĩa và trường học cũng đã bắt đầu được ứng dụng các sản phẩm mới như tấm lợp màu, tấp ốp tường trang trí, tấm tường bê tông nhẹ.
VLXD.org (TH/ Công thương)