Hiện nay, vùng than Quảng Ninh mỗi năm khai thác khoảng 40 triệu tấn than nguyên khai, thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng 2.700ha đất làm bãi thải mỏ. Trữ lượng đất đá thải tại các bãi thải gần 2,2 tỷ m3, chiếm dụng diện tích khoảng 4.000ha, có bãi thải ở Mông Dương (Cẩm Phả) cao tới hơn 350m.
Tại các bãi thải, luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng sạt lở trong mùa mưa lũ, đe dọa tới các hộ dân. Ngành than đã phải lập Quỹ môi trường, trích 1-1,5% chi phí sản xuất nhằm khắc phục sự cố về môi trường từ các bãi đổ thải.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh cùng TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã chi ra 2.173 tỷ đồng thực hiện đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm.
Trong khi ngành than quá tải về đất đá thải, thì các dự án dân dụng, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lại có nhu cầu đất san nền các công trình hạ tầng.
Theo ước tính, dự kiến đến năm 2030, các dự án cần hơn 1 tỷ m3 vật liệu, hiện tại các dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng khoảng 640 triệu m3 đất đá san lấp.
Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về nguyên tắc, cho phép TKV thu hồi, sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác than mỏ Suối Lại để làm vật liệu san lấp cho các dự án, công trình trên địa bàn Quảng Ninh với khối lượng 3,5 triệu m³, thực hiện đến hết năm 2022.
Việc tái sử dụng đất đá thải mỏ Suối Lại làm vật liệu san lấp vừa giúp các đơn vị ngành than hạn chế tác động môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế từ việc tái sử dụng đất đá thải.
Tuy nhiên, thủ tục khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng vẫn khá phiền phức, mất nhiều thời gian do đây được coi là một loại khoáng sản, quy trình, thủ tục xin khai thác đất đá thải mỏ tương tự như xin mở mỏ khai thác tài nguyên.
Đây là một trong những lý do khiến trữ lượng đất đá thải mỏ của ngành than ở Quảng Ninh lên tới hàng tỷ m³ nhưng mới chỉ cấp phép khai thác với tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 3,5 triệu m³).
Thời gian tới, ngành than sẽ lập quy hoạch các khu vực hoạt động khai thác, sử dụng và kinh doanh đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và sau năm 2030; tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện các thủ tục cấp phép khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình ở các bãi thải khác.
Nếu được chấp thuận, việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ làm nguyên liệu san lấp phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với môi trường của TKV với tỉnh Quảng Ninh.
VLXD.org (TH/ Nhandan)