Sáng 11/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và Tôn vinh 100 doanh nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động … trong thời gian 3 năm vừa qua từ năm 2010 đến năm 2012.
100 doanh nhân tiêu biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được tôn vinh và trao Cúp Thánh Gióng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chúc mừng các doanh nhân tiêu biểu được trao Cúp Thánh Gióng 2013 và nêu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, luôn tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân phát huy tiềm năng và vai trò tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định: “Họ là lực lượng chủ công, xung kích trên trận tuyến chống đói nghèo, làm giàu cho đất nước. Họ đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình - một thành tựu quan trọng nhất của công cuộc đổi mới những năm qua.”
Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, ông Lộc hy vọng với lòng yêu nước, sức sáng tao và tinh thần vượt khó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức, làm giàu cho mình và cho đất nước, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, xứng đáng là người chiến sỹ thời bình: dù gian khổ nhưng rất vinh quang.
Từ 333 doanh nhân do 83 cơ quan bộ, ngành, địa phương đề cử, Hội đồng bình xét Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu đã chấm điểm dựa trên các tiêu chí như chỉ tiêu nộp ngân sách, thuế, bảo hiểm, tăng trưởng,… Qua xác minh, tham khảo cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương nơi doanh nhan có trụ sở, Hội đồng đã lựa chọn và tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu cho 100 doanh nhân.
Trong số các doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh dịp này có năm đại biểu Quốc hội, tám Anh hùng Lao động và Đơn vị Anh hùng Lao động, 10 Chiến sỹ Thi đua toàn quốc và cấp bộ, ngành, địa phương, 37 doanh nghiệp Nhà nước, 57 doanh nghiệp cổ phần và tư nhân, 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm ngàn tỉ đồng và nhiều công trình phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.
Cũng trong ngày, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu. Tại buổi gặp mặt, một số doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Quảng Trị được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn hoạt động như cải thiện môi trường và thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tài chính, tín dụng... nên số lượng doanh nghiệp, dân doanh cũng như vốn đầu tư trực tiếp phát triển trên địa bàn tăng nhanh (2.496 doanh nghiệp, vốn đăng ký 16 nghìn tỷ đồng). Riêng chín tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 237 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 1.286 tỷ đồng.
Hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng đa dạng, mở rộng sang nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trước đây, hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu ở các lĩnh vực thương mại, xây dựng, với quy mô nhỏ thì nay đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ, nông, thủy sản xuất khẩu và kinh doanh dịch vụ vận tải, du lịch, khách sạn, siêu thị với quy mô khá lớn. Các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng cao hơn trước khi cổ phần hóa. Vốn điều lệ tăng hai lần, doanh thu tăng 4,5 lần, lợi nhuận tăng 4,7 lần, nộp ngân sách Nhà nước tăng 3,6 lần, tiền lương tăng 3,4 lần, số lượng lao động tăng 3%...
Các doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định nền kinh tế, mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ, góp phần tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hoá Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Tổng sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra năm qua chiếm 46,7% tổng sản phẩm trong tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 33 nghìn lao động. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 35 nghìn hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động.
Tại Đồng Nai 45 doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc được tôn vinh, tuyên dương. Mặc dù chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế thế giới, nhưng hơn 18.500 doanh nghiệp (không kể kinh tế hộ gia đình và trang trại) đang hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn vượt qua thách thức đã và đang góp phần quan trọng trong việc giữ được tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai ổn định ở mức cao so với bình quân cả nước và phát triển theo hướng bền vững.
Qua đó, mức tăng tổng sản phẩm của tỉnh Đồng Nai bình quân trong ba năm (2011-2013) ước tăng 11,8%. Quy mô tổng sản phẩm của tỉnh Đồng Nai theo giá thực tế năm 2013 dự kiến đạt 132.450 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2010.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, kinh tế ở Đồng Nai đang hồi phục nhanh, tính từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký kinh doanh (cả vốn mới và vốn tăng thêm) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.900 tỷ đồng, bằng 86,3% kế hoạch năm 2013.
Trong đó có gần 1.440 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 4.700 tỷ đồng và 132 lượt doanh nghiệp đăng ký vốn bổ sung trên 2.200 tỷ đồng.
Tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trên 300 doanh nhân đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh đến dự buổi gặp mặt các doanh nhân nhân ngày doanh nhân Việt Nam Tỉnh Lâm Đồng đã tôn vinh 40 doanh nghiệp tiêu biểu, có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển KT-XH địa phương. Bốn doanh nhân tiêu biểu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tặng bằng khen.
Trong bối cảnh khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước phục hồi chậm, nhưng nhiều doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong chín tháng qua tăng 20,8% so cùng kỳ năm 2012, doanh nghiệp giải thể giảm 12,1%.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất rau, hoa công nghệ cao, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp tại Lâm Đồng được bình chọn những giải thưởng có uy tín trong nước và quốc tế. Trong bốn đơn vị trên cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, thì Lâm Đồng có ba doanh nghiệp. Trong đó, có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cây giống cấy mô và doanh thu trên một đơn vị diện tích đứng đầu Việt Nam (30 tỷ đồng/1 ha/năm); một thương hiệu đứng vào nhóm các thương hiệu nổi tiếng thế giới…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh: Với vai trò và trách nhiệm to lớn trong sự phát triển của địa phương, đất nước; các doanh nghiệp, doanh nhân có quyền tự hào và đáng được tôn vinh. Nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh được các cơ quan trung ương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước ghi nhận, lựa chọn trao các giải thưởng cao quý. Đó chính là minh chứng rõ ràng trong quá trình phát triển.
Theo Báo Nhân dân