Không gian xanh trong khu chung cư cao tầng, thành phố Nha Trang.
Việt Nam từ trước đến nay do đang trong quá trình phát triển nên chủ yếu mới phát triển đô thị về số lượng và quy mô, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng sống tốt, sống đẹp, chỉ mới tập trung vào không gian để sống (tồn tại), chứ chưa hẳn là một không gian đáng sống.Tuy nhiên với tiêu chí về phát triển bền vững thì xây dựng đô thị đáng sống luôn là phát triển đồng bộ của 2 yếu tố môi trường sinh thái và môi trường xã hội.
Xét về tiêu chí của khái niệm, có thể cho rằng đô thị đáng sống bao gồm rất nhiều các yếu tố liên quan đến môi trường sinh thái và môi trường xã hội.
Môi trường sinh thái có thể được hiểu bao gồm tấc cả các thành phần vật chất tạo nên cấu trúc đô thị như cây xanh, mặt nước, công trình kiến trúc, công trình hạ tầng dịch vụ…
Môi trường xã hội bao gồm các chất lượng dịch vụ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… mà con người cần có trong không gian sống một đô thị. Hai yếu tố này biểu hiện phần “định lượng” và “định tính” tác động tới chất lượng cuộc sống của đô thị và cũng là 2 yếu tố căn bản cần có chung của các đô thị đáng sống trên thế giới.
Môi trường xã hội là một yếu tố “đủ”- “định tính” nhưng lại có tác động mạnh đến chất lượng và tiện nghi sống của cư dân đô thị. Nếu hai môi trường trên cùng phát triển cân bằng thì sẽ tạo nên sự phát triển bền vững của một đô thị lành mạnh – đô thị hạnh phúc.
Do có điều kiện phát triển cụ thể khác nhau, hầu hết các đô thị Việt Nam là các đô thị trẻ, trình độ và quy mô phát triển kinh tế ở mức trung bình, các đô thị Việt Nam dù đều có 2 yếu tố trên nhưng đang ở các mức độ cao – thấp rất khác nhau và đang thấp hơn “mức chuẩn” quốc tế khá nhiều.
Hiện tại, trung bình tại các đô thị có khoảng 10% cư dân được hưởng chất lượng sống của một đô thị lành mạnh theo đúng nghĩa. Còn lại hầu hết cư dân có chất lượng sống đang ở mức trung bình và thấp, chưa được thụ hưởng các chất lượng sống đô thị tiêu chuẩn. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng thiếu chỗ vui chơi giải trí, sân chơi công cộng cho trẻ em, ô nhiễm môi trường do chất thải và tiếng ồn, thiếu nước sạch và các nhu yếu phẩm sạch cần thiết cho cuộc sống.
Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, các đô thị chúng ta đang và sẽ phải khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực do cách quản lý đô thị “tự phát” và “ngắn hạn”. Ví dụ thực tế dễ thấy là đường giao thông mới mở, nhưng chỉ đến 5 năm sau đã bị quá tải không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đô thị. Quy hoạch chỉ đáp ứng như cầu mưu sinh trước mắt mà bỏ qua các yếu tố tiện nghi sống, môi trường thì sớm muộn cũng sẽ gây nên những bất ổn không đáng có trong tương lại mà việc khắc phục được sẽ là rất tốn kém về thời gian và tiền bạc.
Để có được những đô thị đáng sống trong điều kiện nước ta hiện nay, các nhà quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị phải có những hành động dựa trên các chiến lược định hướng bài bản với tầm nhìn dài hạn.
Quy hoạch phải nhận diện và giải quyết tốt sự cân bằng lợi ích trước mắt để đạt được các hiệu quả lâu dài, đạt được các tiêu chuẩn đáng sống về mặt môi trường sống gồm cả môi trường sinh thái và môi trường xã hội, tạo nên những đô thị thích ứng với nhu cầu sống trong tương lai, chú trọng thêm nhiều hơn các vấn đề xây dựng môi trường xã hội. Cách làm này cũng rất tương đồng với chiến lược chung về phát triển bền vững cân bằng giữa 3 tiêu chí là kinh tế, văn hóa và môi trường trong giai đoạn giữa ngắn và dài hạn. Phát triển song song 2 yếu tố môi trường sinh thái và môi trường xã hội.
Tuy nhiên phát triển ở mức độ như thế nào cần căn cứ theo các điều kiện và nguồn lực cụ thể để hướng đến sự bình đẳng với mọi tầng lớp dân cư, đó cũng là phát triển bền vững cho xã hội.
Các quy định phát triển đồng bộ 2 yếu tố nói trên phải được luật hóa trong các văn bản về quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị & các thiết kế nhà ở (từ nhà ở xã hội cho đến các hạng mục nhà ở thương mại cao cấp). Đây hoàn toàn là một cách làm thực tiễn bởi bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đi trước như Singapore, Nhật Bản.
Từ cách đây 50 năm, việc phát triển và thiết kế nhà ở cho đại bộ phận cư dân tại Singapore đã đạt được các yếu tố tiện nghi về cả môi trường sinh thái và xã hội tương đương với các đô thị hiện đại hiện nay. Các công trình đều không chỉ bền về chất lượng mà bền cả về khả năng sử dụng, đáp ứng sự đổi mới và phát triển đô thị trong thời gian dài.
Nhật Bản với diện tích đất đô thị hạn hẹp nhưng cũng có những quy định chặt chẽ bảo vệ các không gian xanh trong đô thị ngay từ ban đầu. Các đô thị tuy hiện đại và có nhiều công trình cao tầng, nhưng đều tràn ngập mầu xanh của cảnh quan thiên nhiên.
Về phát triển môi trường sinh thái, với các đô thị Việt Nam, trước hết cần phải phá bỏ quan niệm lệch lạc, trong các đồ án quy hoạch đô thị và công tác quản lý đô thị về tổ chức môi trường sống hiện chỉ chủ yếu dựa trên tư duy “ăn liền” về kinh tế, thiếu các tầm nhìn khoa học lâu dài về bảo tồn và xây dựng đồng thời về môi trường như hiện nay. Xây dựng một quan niệm, ý thức tốt là điều cần làm trước tiên bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế.
Cần tránh tình trạng phát triển đô thị theo kiểu tận dụng tối đa hoặc xây chen nhà cao tầng như tại các đô thị thời gian qua và quy hoạch đô thị dựa trên lợi ích của đại bộ phận dân số, không vì lợi ích của một nhóm nhỏ mà hi sinh các lợi ích cộng đồng dài hạn, bởi một khi tiến hành cải tạo đô thị thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với thực hiện ngay từ ban đầu.
Theo công bố Việt Nam có 30 – 40 % cư dân đô thị, nhưng thực chất con số người dân đô thị đích thực chỉ đạt khoảng 15%. Rất nhiều cư dân nông thôn chuyển đổi ra đô thị do quá trình sát nhập và mở rộng đia giới hành chính, vẫn giữ nguyên công việc và nếp sống của cư dân nông thôn. Sẽ cần có thêm thời gian để người dân hiểu và nhận thức được chất lượng sống, cách sống đô thị, từ nhận thức đó mới tạo nên một đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc của chính họ và mọi người. Văn minh đô thị thực chất rất khác với văn minh nông thôn về quan hệ sản sản xuất, phương thức sản xuẩt, lối sống… Cần hiểu rõ không thể chỉ dùng một văn bản hành chính đổi tên làng xã thành phường là chuyển đổi cư dân nông thôn thành cư dân đô thị.
Để có một đô thị đáng sống cho nhu cầu và hiện trạng các đô thị đang mở rộng và sát nhập như ở Việt Nam hiện nay, cần có kế hoạch cụ thể để chuyển đổi trang bị tư duy về văn minh đô thị, cách sống và hành xử cho mọi người dân hiểu và cùng tự nguyện thực hiện. Điều này cũng rất cần thời gian để cư dân tự trải nghiệm và chuyển đổi một cách tự nhiên. Ý thức con người không phải có được sau một đêm, phải biết chấp nhận thực tiễn trên nhưng có các biện pháp tác động hiệu quả để đẩy nhanh quá trình tự chuyển đổi.
Xây dựng một đô thị đáng sống ở Việt Nam là điều rất cần thực hiện ở thời điểm này, nhưng làm thế nào và thực hiện ra sao lại cần dựa trên các nghiên cứu với chiến lược cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn. Không để công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị dựa trên các yếu tố chủ quan, ngẫu hứng, phục vụ cho một nhóm lợi ích, mà hi sinh sự phát triển và chất lượng sống chung của toàn đô thị. Hãy cùng chung tay để chúng ta có những đô thị đáng sống đúng nghĩa, mang đậm tính cách và bản sắc của đô thị và con người Việt Nam.
Môi trường sinh thái và môi trường xã hội là hai yếu tố biểu hiện phần “định lượng” và “định tính” tác động tới chất lượng cuộc sống của đô thị. Nó cũng là 2 yếu tố căn bản cần có chung của các đô thị đáng sống trên thế giới. Nếu hai môi trường trên cùng phát triển cân bằng thì sẽ tạo nên sự phát triển bền vững của một đô thị lành mạnh – đô thị hạnh phúc. V
Với các đô thị Việt Nam, trước hết cần phải phá bỏ quan niệm lệch lạc, trong các đồ án quy hoạch đô thị và công tác quản lý đô thị chủ yếu còn dựa trên tư duy “ ăn liền” về kinh tế, thiếu các tầm nhìn khoa học lâu dài về bảo tồn và xây dựng đồng thời về môi trường như hiện nay. Sẽ cần có thêm thời gian để người dân hiểu và nhận thức được chất lượng sống, cách sống đô thị, từ nhận thức đó mới tạo nên một đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc của chính họ và mọi người.
TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh (Trưởng Khoa Quy hoạch – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội/theo TCKTVN)
Theo Báo Xây Dựng