Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Vật liệu và Kiến trúc

Hà Nội dự kiến mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ

02/10/2013 - 01:53 CH

Chiều 01/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng các sở, ngành, UBND Q.Hoàn Kiếm đã họp bàn về Đề án mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I, khu phố cổ Hà Nội.
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Cty CP Đồng Xuân (đơn vị được UBND Q.Hoàn Kiếm giao nghiên cứu đề án từ 2009 đến nay): Khu bảo tồn cấp I nằm trong quần thể khu phố cổ Hà Nội, thuộc địa bàn của 4 phường: Hàng Đào – Hàng Bạc – Hàng Buồm- Đồng Xuân. Nơi đây còn lưu giữ được những công trình kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ 18-19 với dáng vẻ kiến trúc cổ, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo.

Việc mở rộng không gian đi bộ sẽ là một điểm nhấn trong hoạt động thương mại, du lịch của Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng trong xu thế hội nhập, phát triển.

Đề án dự kiến mở rộng không gian đi bộ trên các tuyến phố gồm: Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Giầy – Lương Ngọc Quyến – Tạ Hiện – Đào Duy Từ thuộc địa bàn hai phường Hàng Buồm và Hàng Bạc.


Phố Tạ Hiện..

Các tuyến phố trên trong dự án bước 1 mở rộng quy hoạch không gian phố cổ được xuất phát từ khu vực có truyền thống về văn hóa ẩm thực và kinh doanh sầm uất nhất, gắn với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: đền Bạch Mã, Định Quán Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, đền Hương Tượng. Bên cạnh đó có sự gắn kết tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân và tạo thành một quần thể không gian đi bộ phù hợp trong khu vực phố cổ.

Thời gian hoạt động của các tuyến phố đi bộ vào 3 tối hàng tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật), vào khoảng từ 18-19h đến 24h.

Để triển khai thực hiện đề án, Công ty CP Đồng Xuân cho biết đã phối hợp các công ty chức năng của TP và quận xây dựng các phương án như: phân luồng giao thông và bố trí điểm giao thông tĩnh, phương án đảm bảo an ninh trật tự - PCCN, đảm bảo vệ sinh môi trường, đầu tư cơ sở vật chất, phương án tài chính và sắp xếp các hộ kinh doanh. Về mặt hàng kinh doanh là sản phẩm hàng hóa ẩm thực tiêu biểu, truyền thống đại diện cho Hà Nội và các vùng miền trong Tổ quốc. Dự kiến sẽ sắp xếp 76 hộ, trong đó có 46 hộ đang kinh doanh trên vỉa hè (giữ nguyên hiện trạng và chấn chỉnh chỉ giới); sắp xếp dưới lòng đường 32 hộ, trong đó sắp xếp mới 26 hộ.

Ông Lâm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm: Quận đã họp vận động các hộ dân về đề án mở rộng không gian đi bộ và được nhân dân đồng thuận; cam kết đảm bảo việc sinh hoạt ít đảo lộn nhất. Mức thu phí của Công ty CP Đồng Xuân đưa ra dự kiến là 100.000 đồng, tương đương chợ loại hai. Hiện việc chỉnh trang các tuyến phổ cổ thực hiện theo quy định. Đề án đã nghiên cứu phương án dùng xe chữa cháy, cấp cứu (các quầy lưu động ở lòng đường có thể thu gom được ngay, các lối đi rộng khoảng 1,5-2m); Phương án đi bộ kết nối với chợ đêm Đồng Xuân đã được nghiên cứu. Ông Hùng, đề nghị được triển khai đề án ngay từ mùa thu này, tạo sức hút cho TP.

Góp ý và đề án, hầu hết các đại biểu thống nhất về việc cần thiết triển khai đề án. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT bày tỏ lo lắng phương án động chạm đến toàn bộ nhân dân khu phố cổ nên cần tính toán kỹ lưỡng; cần điều tra xã hội học để người dân góp ý vào đề án. Việc mở rộng không gian đi bộ sẽ đảo lộn giao thông trong khu vực phố cổ rất lớn. Sở GTVT cũng đã tham gia khảo sát khu vực đi bộ Hàng Ngang – Hàng Đào – Hàng Đường – chợ Đồng Xuân và vùng phụ cận, cho thấy nhân dân ủng hộ nhưng có đề nghị xem lại những ki ốt bày dưới lòng đường. Ở các nước đều có không gian đi bộ nhưng đảm bảo an toàn giao thông, PCCC. Nếu các khu phố cổ của Hà Nội có sự cố cháy nổ, mới đi thu dọn các gian hàng sẽ không kịp; theo đó, không mở thêm cửa hàng, cửa hiệu, lắp đặt thêm các kiốt giữa lòng đường. Về phân luồng giao thông, đỗ xe, Công ty CP Đông Xuân phải nghiên cứu kỹ thêm, lên phương án cụ thể.

Mặt khác, ý kiến từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng góp ý vào việc nếu chỉ tổ chức ẩm thực trên các tuyến phố sẽ lãng phí nguồn lực, có thể khôi phục các phố nghề, thu hút khách du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian ở khu vực các di tích (ca trù, võ thuật cổ truyền…).

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng đề án cần được nghiên cứu sâu sắc hơn. Đây là đề án của UBND quận Hoàn Kiếm, quận cần đứng ra nghiên cứu, không để Công ty CP Đồng Xuân đề xuất sẽ khó phối hợp, thống nhất cụ thể với các ngành. Hơn nữa, đề án nên nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi ra khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đề án phải đảm bảo các yêu cầu về trật tự trị an xã hội, sự đồng thuận của nhân dân, cảnh quan đô thị, các công trình di tích lịch sử văn hóa; đường phải đảm bảo mặt cắt để cho các phương tiện PCCC, cấp cứu lưu thông; vệ sinh môi trường và sắp xếp phương tiện.

Phó Chủ tịch cũng cho rằng cần đánh giá tính hiệu quả và sự đáp ứng mục tiêu tuyến phố đi bộ hàng Đào – Hàng Đường – Đồng Xuân đang thực hiện; rút kinh nghiệm để khắc phục bất cập. Tuyến phố này phải phát huy các di sản, giá trị văn hóa, không gian kiến trúc, làng nghề... Từ đó, xác định tổ chức đi bộ nhằm mục đích gì, tổ chức các hoạt động văn hóa như thế nào?

Phó Chủ tịch yêu cầu, UBND quận Hoàn Kiếm cần tiếp thu việc khảo sát xã hội học của Sở Giao thông Vận tải, huy động nguồn lực đầu tư chỉnh trang các tuyến phố; Việc thu phí quản lý sẽ phải áp dụng… Quận cũng phải phối hợp với các ngành Công an, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thương mại để lên các phương án chi tiết. Cần đẩy nhanh việc nghiên cứu đề án khả thi, khoang vùng phạm vi, xây dựng quy chế quản lý khu phố đi bộ kèm theo đề án. Cuối tháng 10, quận Hoàn Kiếm phải báo cáo đề án ra tập thể UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.

Theo Hanoimoi

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng