Đảm bảo thị trường cát nhân tạo phát triển lành mạnh
Phản ánh của một công nhân khảo sát mỏ và thị trường cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho biết, khoảng 6 tháng trở lại đây, tại các khu vực như Kim Bảng và đặc biệt là Tân Thủy xuất hiện khoảng chục cơ sở sản xuất cát nhân tạo với công nghệ thô sơ, không đáp ứng đầy đủ các công đoạn cho một dây chuyền sản xuất cát nhân tạo đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Nếu không có chuyên môn, người tiêu dùng không dễ phân biệt được sản phẩm cát của các cơ sở này với sản phẩm cát của các DN được đầu tư dây chuyền sản xuất bài bản, có thương hiệu sản phẩm trên thị trường, sản phẩm có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Chính vì vậy, sản phẩm cát nhân tạo dạng này cũng dễ được trà trộn bán lẫn với các sản phẩm cát có chất lượng, thương hiệu.
Một sản phẩm cát có chất lượng tốt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Hiện giá bán các sản phẩm cát mới xuất hiện trên thị trường từ 110.000 - 120.000 đ/m3, chỉ bằng 1/2 so với giá bán của Công ty TNHH Hợp Tiến từ 180.000 - 200.000 đ/m3. Điều này cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán sản phẩm, đã gây lên những bức xúc cho người sản xuất có sự đầu tư bài bản, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Thực tế, đã có tiêu chuẩn Việt Nam về cát nhân tạo cho bê tông và vữa từ nhiều năm nay là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước địa phương, người tiêu dùng quản lý, vận dụng. Tuy nhiên, chuyên gia về cát nhân tạo tại tỉnh Hà Nam cho biết, để kiểm soát được chất lượng của cát nhân tạo trên thị trường, tiêu chuẩn này cần có chi tiết, cụ thể hơn, thậm chí có những khuyến cáo cho người sử dụng cát nhân tạo.
Ngoài ra, khi nắm bắt được tình hình thị trường cát nhân tạo có những diễn biến mới, lãnh đạo Sở quản lý chuyên ngành của tỉnh Hà Nam chắc chắn phải vào cuộc kiểm tra tình hình thực tế sản xuất tại các DN sản xuất và làm thương mại về cát nhân tạo. Nếu đúng như phản ánh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước địa phương sẽ có biện pháp kịp thời và chế tài đủ mạnh đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường cát nhân tạo, quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm cát nhân tạo mới có mặt trên thị trường phải công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm.
Cần định mức dự toán cho cát nhân tạo
Hà Nam là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển cát nhân tạo. Những năm vừa qua, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch rất lớn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ, Bộ Xây dựng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh đã rất linh hoạt trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khai thác đúng lợi thế về nguồn nguyên liệu ổn định, sẵn có tại địa phương, đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới, sử dụng cát nhân tạo thay cát tự nhiên, sử dụng gạch không nung thay cho gạch nung… Nhờ đó, nguồn cung cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã trở thành thương hiệu trên cả nước.
Tuy nhiên, do thị trường cát nhân tạo trong tỉnh hoạt động khá rộng, cung cấp cho các tỉnh lân cận và Hà Nội, nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề quản lý nhà nước đối với khai thác cát lòng sông. Nếu như năm 2017, khi Chính phủ siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông, thị trường cát Hà Nam sôi động, nhưng khi hoạt động quản lý, khai thác cát lòng sông lắng xuống thì thị trường cát Hà Nam cũng lắng theo.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh rất nghiêm ngặt, được Sở Xây dựng Hà Nam kiểm duyệt ngay từ khâu thiết kế đến nghiệm thu dự án, công trình. Do vậy, bất cứ một công trình sử dụng vốn Nhà nước nào trên địa bàn tỉnh cũng đều sử dụng 100% gạch không nung.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo tại Hà Nam cũng hy vọng, việc sử dụng cát nhân tạo trong các công trình vốn ngân sách Nhà nước cũng được thực hiện tốt như vậy. Tuy nhiên, định mức dự toán cho việc sử dụng cát nhân tạo cho công trình sử dụng vốn ngân sách chưa có, nên chủ đầu tư, nhà thầu không thể áp dụng, Sở Xây dựng cũng không có cơ sở để kiểm duyệt và nghiệm thu dự án, công trình từ khâu thiết kế dự án đến khi đưa công trình vào sử dụng.
Doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo Hà Nam tin tưởng rằng, việc sớm ban hành định mức dự toán sử dụng cát nhân tạo cho công trình vốn ngân sách sớm được ban hành, cộng với việc kiểm tra, chỉ đạo sát sao của Sở Xây dựng, sẽ là hướng đi tốt cho tiêu thụ sản phẩm cát nhân tạo ngay trên địa bàn.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)