>> Cát là tài nguyên đang được “săn lùng” nhiều nhất trên thế giới
>> Khai thác tràn lan, báo động cạn kiệt cát
>> Cơn sốt cát toàn cầu gây hại thế nào?
Ngày càng “khát”
Dubai nổi tiếng với tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới được xây dựng từ 330.000 m3 xi-măng và 1/4 trong số này là
cát. Dubai không chỉ có một tòa nhà chọc trời, đó là chưa kể các hòn đảo nhân tạo. Năm 2009, dự án đảo nhân tạo mang tên “Thế giới” phải tạm dừng do khủng hoảng kinh tế, sau khi đã “hút” tới 321 triệu tấn cát. Vấn đề là Dubai không đủ cát để xây dựng vì cát sa mạc ở đây dù rất nhiều nhưng lại quá tròn dưới tác động của gió nên không đủ độ kết dính. Trên thực tế, cát dùng xây Burj Khalifa được nhập từ Úc.
Cách Dubai khoảng 6.000 km về phía Đông Nam, Singapore cũng phải trữ lượng cát khổng lồ để phát triển - nước này đã tăng diện tích đất lên 22% trong 50 năm qua. Việc nhập khẩu cát của Singapore ban đầu khá dễ dàng. Nhưng từ năm 1997, các quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia, Campuchia và Việt Nam lần lượt ngừng bán cát cho Singapore. Dĩ nhiên, các giao dịch “ngầm” vẫn diễn ra và cát chảy trái phép về Singapore với giá đắt đỏ, theo tổ chức phi chính phủ Global Witness.
Đảo quốc sư tử có lúc phải trả đến 190 USD/tấn cát, cao hơn cả một thùng dầu thô. Kinh doanh cát kéo theo các hệ lụy chính trị. Vì bị mafia khai thác cát bán cho Singapore, ít nhất 24 hòn đảo của Indonesia đã biến mất khỏi bản đồ dẫn đến tranh cãi về việc phân định biên giới giữa 2 nước. Theo trang Scroll.in (Ấn Độ), con người sử dụng lượng cát nhiều gấp đôi so với lượng cát ở tất cả sông trên thế giới gộp lại. Hết cát sông, người ta đào đến cát biển, khiến 2/3 bãi biển trên thế giới bị xói mòn.
Cát được sử dụng để xây đảo nhân tạo ở Dubai Ảnh: Reuters
Mafia lộng hành
Cơn “khát” cát thậm chí còn gây ra xung đột chết người ở một số khu vực trên thế giới. Ở Ấn Độ, các nhà hoạt động chống khai thác cát thường bị tấn công hoặc bị giết chết. Bà Sumaira Abdulali, 55 tuổi, trở thành nhân vật nổi tiếng ở Ấn Độ vì dám đương đầu với “mafia cát” ở TP Mumbai từ năm 2004. Kết quả, bà bị lôi ra khỏi xe khi đang theo dõi ở bãi biển gần nhà và bị đánh đến mức nhập viện. Một trong những kẻ đánh bà là con trai một chính trị gia ở địa phương.
Nạn khai thác cát trái phép cũng khiến đường bờ biển quanh châu thổ sông Maha Oya bị xói mòn nhiều nhất ở Sri Lanka. Ở một số khu vực, bãi biển mất từ 12-15 m đất mỗi năm khiến hàng ngàn gia đình mất đất đai. Bất chấp lệnh cấm gần đây, cát vẫn bị đào trộm mỗi ngày. “Mafia cát” không chỉ có ở Nam Á. Ở vịnh Elmina của Ghana, bọn chúng thậm chí đào cát ngay trước các khu nghỉ mát, khiến biển lấn vào tận cửa.
Nhu cầu về cát tăng mỗi năm hơn 5%, chủ yếu do tình trạng đô thị hóa nhanh chóng. Trong 20 năm qua, sản lượng xi-măng, với cát là thành phần, tăng gấp 3 lần. Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 lượng cát được sử dụng toàn cầu và sản xuất 58% tổng sản lượng xi-măng trên thế giới. Để giải cơn “khát” cát, Trung Quốc nhập khoảng 1 tỉ tấn cát mỗi năm, gấp 5 lần lượng than nhập khẩu hằng năm.
Trung Quốc đang xây hàng loạt đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông. Ngoài mục đích tăng cường hiện diện quân sự, thâu tóm nguồn dầu mỏ tiềm năng, tờ The Economist chỉ ra một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc quyết không buông biển Đông - đó là cát.
Theo NLĐ