Trước đây, hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều sử dụng cát ở lòng sông, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, cuộc sống của người dân.
Thực tế cho thấy, cát được khai thác chủ yếu ở các sông lớn, như: sông Kiến Giang, sông Gianh, sông Son, sông Roòn, sông Long Đại… Trên nhiều đoạn sông này, lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí khiến mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, tăng độ dốc ở đáy sông gây xói lở hai bên bờ và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn.
Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ hạ thấp, gia tăng hạn hán khiến một số cây trồng bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Nguồn nước ngầm hạ thấp còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư, một số chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng, phá hoại hệ sinh thái dưới lòng sông…
Việc khai thác cát tại các lòng sông khiến nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt, tác động xấu đến môi trường.
Để giảm tải cho cát lòng sông, bảo vệ môi trường, hiện đã có nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh chuyển sang dùng cát ven biển để xây dựng.
Ông Nguyễn Phú Tuấn, một chủ thầu xây dựng các công trình nhà ở lâu năm trên địa bàn thành phố Đồng Hới cho biết, trước đây, người dân trên địa bàn thường sử dụng cát lòng sông để xây và tô trát. Nhưng`thời gian gần đây, đã có nhiều hộ chọn cát ven biển để thay thế.
Anh Nguyễn Hữu Bộ, một người dân phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới chia sẻ, tôi chọn cát ven biển để xây nhà vì giá rẻ hơn cát lòng sông, phí vận chuyển thấp. Cát này rất dễ mua, tô đẹp, mịn hơn so với với cát lòng sông. Cách đây khoảng 10 năm, tôi đã chọn cát ven biển để xây dựng tầng 1 ngôi nhà mình. Qua thời gian dài, công trình vẫn bền, chắc chắn, tường cũng không thấm nên khi làm tầng 2 tôi vẫn quyết định sử dụng cát ven biển.
Qua khảo sát sơ bộ, với chiều dài đường bờ biển khoảng 100km, Quảng Bình có nguồn cát ven biển phục vụ cho xây dựng rất lớn với trữ lượng ước đạt trên 100 triệu m3. Cát xây dựng ven biển tập trung nhiều ở huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Trong phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, toàn tỉnh có 54 mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, diện tích 389,43ha, trong đó có một số mỏ cát ven biển đã được quy hoạch, cấp phép khai thác.
Ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, so với cát lòng sông thì cát ven biển có độ sạch cao hơn, hàm lượng tạp chất thấp, mô đun độ lớn nhỏ. Nếu người dân dùng cát ven biển để xây dựng các công trình thì nên gạt lớp phong hóa sâu từ 0,5 đến 1m để hạn chế lượng muối trong cát. Hiện tôi thấy các công trình được xây dựng bằng cát ven biển vẫn có độ bền, chắc chắn và bề mặt bê tông rất mịn.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn băn khoăn về chất lượng, độ bền của công trình. Theo ông Thái, dùng cát ven biển để xây dựng rất tốt. Nhưng, cần phải có các công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Hiện Sở Xây dựng cũng đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xin kinh phí lập đề án nghiên cứu. Nếu có kinh phí, Sở sẽ tập trung nghiên cứu tính chất cơ lý, tham gia liên kết của cát trong chế tạo bê tông; xác định cường độ giới hạn tối đa cho phép trong chế tạo vữa, bê tông; đánh giá hiệu quả kinh tế, đo đạc, khảo sát, đánh giá trữ lượng, cách thức khai thác, bảo vệ môi trường... nhằm hướng đến làm vật liệu thay thế cho các công trình lớn của tỉnh và các địa phương.
Nếu công trình nghiên cứu của Sở Xây dựng thành công, cát ven biển được đưa vào sử dụng đại trà trong xây dựng, tỉnh sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có, qua đó, hạn chế việc khai thác, sử dụng cát lòng sông trong các công trình xây dựng, giảm nguy cơ sạt lở bờ sông, lòng sông, tạo điều kiện cho nguồn thủy sản phát triển, giảm chi phí cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp trong xây dựng các công trình.
VLXD.org (TH/ Báo Quảng Bình)