Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Cát, Đá, Sỏi

Tình trạng khan hiếm cát xây dựng trên toàn cầu

18/08/2017 - 05:24 CH

Cát bao phủ một diện tích lớn khắp bề mặt Trái đất và vốn không thiếu nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong lịch sử đã khiến loại nguyên liệu này trở nên khan hiếm.
Theo Wired, từ mỹ phẩm, kem đánh răng, pin năng lượng mặt trời, chip điện tử cho đến các tòa nhà, hầu như mọi thứ trong cuộc sống hiện đại ngày nay của chúng ta đều có thành phần là cát. UNEP phân tích, cát và sỏi là hai loại vật liệu được khai thác nhiều nhất hành tinh, chiếm 85% tổng khối lượng các loại tài nguyên khai thác từ lòng đất mỗi năm. Chính vì khả năng ứng dụng đa dạng và quan trọng, khai thác cát đã trở thành ngành công nghiệp trị giá 70 tỷ USD.

Cát được tìm kiếm nhiều đến mức, thống kê cho thấy các băng đảng khai thác cát đang hoành hành tại hàng chục quốc gia. Một trong những điểm nóng khai thác cát lậu là Ấn Độ với giá trị ước tính 2,3 tỷ USD/năm.

Theo tờ The Economist, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhu cầu tăng vọt tại châu Á. Trong tổng số 13,7 tỷ tấn cát khai thác trên toàn thế giới năm 2016 có tới 70% được dùng tại các quốc gia châu Á mà riêng Trung Quốc đã chiếm tới một nửa. Lượng cát Trung Quốc sử dụng trong 4 năm qua nhiều hơn lượng cát mà Mỹ dùng trong cả thế kỷ XX.


Tình trạng khan hiếm cát xây dựng trên toàn cầu

Cát còn được các quốc gia dùng để mở rộng lãnh thổ. Ví như Singapore, diện tích đảo quốc này đã tăng thêm 20% so với khi quốc gia này giành độc lập năm 1965. Trong bối cảnh dân số tăng, mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhiều vùng đất, Liên Hợp Quốc dự báo số lượng "siêu đô thị" sẽ tăng chóng mặt, tốc độ khai thác cát đang vượt quá tốc độ sinh ra cát trong tự nhiên sẽ còn khiến cát càng trở nên khan hiếm hơn nữa.

The New Yorker nhận định những quốc gia hạn chế tài nguyên cát cũng không ngừng chi tiêu cho loại nguyên liệu này. Ví như tháp Burj Khalifa tại Dubai hoàn toàn được xây bằng cát nhập khẩu từ Australia.

Bài viết trên The Economist cho rằng, lo ngại thiếu cát và hậu quả từ hành động khai thác gây ra với môi trường, các nước phương Tây đã giới hạn những khu vực được khai thác. Indonesia và Malaysia cũng cấm xuất khẩu cát sang Singapore khi mà khai thác cát khiến đường bờ biển 2 nước này ngày càng mỏng vẹt.

Giải pháp tốt nhất hiện nay là tái chế nguyên vật liệu và sử dụng vật liệu thay thế như bùn, rơm, gỗ và đá nghiền. Gần 30% số nguyên vật liệu tại Anh đã được tái chế. Châu Âu cũng đã lên kế hoạch đến năm 2015 sẽ tái sử dụng 75% lượng thủy tinh nhằm giảm cầu về cát.

Theo VTV
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng