Việt Nam là nước có trữ lượng
quặng sắt không nhiều và hầu hết là quặng limonit nên hàm lượng sắt thấp, các mỏ quặng lại nằm rải rác ở nhiều địa phương. Do đó, việc cấp phép khai thác quặng, cũng như cấp phép xây dựng lò cao phải siết chặt, tránh tình trạng cấp phép tràn lan.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến nay, Việt Nam có 13 lò cao sử dụng quặng sắt để luyện gang làm nguyên liệu luyện
thép với dung tích lò cao từ 50m3 tới 500m3, tổng công suất thiết kế luyện gang khoảng 3,5 triệu tấn/năm. Đặc biệt, nếu dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với 2 lò cao 4.300m3 đi vào sản xuất đúng tiến độ thì tới năm 2016 nước ta có tổng công suất luyện gang khoảng 11 triệu tấn.
Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế nên hầu hết lò cao ở các địa phương được xây dựng với quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu dẫn tới hoạt động sản xuất cầm chừng. Hiện nay, chỉ có 3 lò cao tại Thái Nguyên, Lào Cai và Hải Dương là sản xuất liên tục, sử dụng lượng quặng sắt tương đối lớn và ổn định. Số lò cao còn lại tiêu thụ quặng sắt không lớn, thậm chí có nhiều lò xây xong, do gặp khó khăn đã không sản xuất như: Vạn Lợi, Đình Vũ...
Đây là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp
ngành thép. Về phía các cơ quan quản lý, việc cấp phép xây dựng lò cao đã đến lúc cần phải siết chặt hơn. Khi cấp phép phải đánh giá thực tế đầu vào, đầu ra của sản phẩm cho mỗi dự án, đồng thời phải xét kỹ về năng lực tài chính của doanh nghiệp. Tránh tình trạng cấp phép xong, trong quá trình triển khai lại không đạt được kết quả như mong muốn, gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư nói riêng, ngành thép nói chung.