Giá thành phẩm của các sản phẩm
thép xây dựng cũng không ngừng tăng cùng với việc sản lượng
tiêu thụ thép tăng mạnh ở những tháng đầu năm. Cầu tăng và giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng mạnh là nguyên nhân chính đẩy
giá thép thành phẩm lên cao. Giá thép cũng tăng lên do có yếu tố đầu tư, đầu cơ, tích trữ của các
doanh nghiệp kinh doanh thép, nhất là vào thời điểm sau khi Bộ Công Thương công bố quyết định
áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với mức thuế 23,3% đối với sản phẩm
phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Giá nguyên liệu
sản xuất thép thế giới tăng liên tục kể từ những ngày đầu năm 2016. Cụ thể, giá quặng sắt loại 62%Fe từ mức 40 USD/tấn đã tăng lên 65 USD/tấn, và hiện đang ở mức 57 USD/tấn những ngày đầu tháng Năm. Giá thép phế đầu tháng 1/2016 khoảng 190 USD/tấn, có xu hướng liên tục tăng cao và chào giá giao dịch ở mức 320 USD/tấn trong tuần đầu tiên của tháng Năm. Tại thị trường ASEAN, giá phôi thép cũng tăng từ 260 USD/tấn lên 420-430 USD/tấn trong tháng 4/2016. Giá các loại nguyên liệu khác như cuộn cán nóng đang giao dịch ở mức 410-420 USD/tấn, trong khi đầu năm chỉ khoảng 280-300 USD/tấn. Giá thép HRC tăng 100-120 USD/tấn. Giá thép CRC đầu tháng Năm ở mức khoảng 500 USD/tấn. Giá thép dài được chào ở mức khoảng 430-450 USD/tấn. Theo Metal Bulletin, giá giao ngay của bột quặng sắt hàm lượng 62% đã tăng 2,06% tương đương 1,03 USD, lên mức 51,11 USD/tấn vào ngày 6/6, mở rộng mức tăng chỉ trong hai ngày lên tới 6,1%. Hiện mức giá bột quặng sắt 62% đang ở mức gần 51 USD/tấn. Sang tháng 6, giá quặng sắt có xu hướng giảm do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và giá thép giảm. Hiện quặng sắt giao ngay tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm 3,6% trong tuần thứ ba của tháng 6, xuống 50,20 USD/tấn. Còn từ đầu năm đến nay thì giá quặng sát đã tăng lên khoảng 17%. Mức giá tăng còn được cho là do bị ảnh hướng bởi thông tin thành phố sản xuất thép chính của Trung Quốc là Đường Sơn đang có kế hoạch giảm tải lượng khí thải từ việc sản xuất thép sẽ bắt đầu từ giữa tháng 6, nhằm cải thiện chất lượng không khí của thành phố và được cho sẽ kéo dài đến trung tuần tháng 10/2016.
Giá một số nguyên liệu thép trên thị trường thép thế giới cùng giá nguyên liệu đầu vào (phôi thép, thép phế) có biến động tăng, nên các nhà máy sản xuất kinh doanh thép trong nước đã điều chỉnh tăng giá thép khoảng 100 - 500 đồng/kg tùy từng loại. Giá phôi thép đã tăng từ 6,9 triệu đồng/tấn (hồi đầu năm) lên 9,3 triệu đồng/tấn; Giá thép dài thị trường ở mức 10,3 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ so với tháng 4/2016; dự kiến giá thép trong nước thời gian tới sẽ có khả năng tiếp tục tăng, ở mức khoảng 11,4 triệu đồng/tấn.
Tháng 4, các doanh nghiệp thành viên VSA đã tiêu thụ hơn 1,31 triệu tấn thép các loại, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 20% so với tháng trước. Trong tháng, các doanh nghiệp thành viên đã sản xuất hơn 1,48 triệu tấn thép các loại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó xuất khẩu đạt gần 192.000 tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bước sang quý II, lượng tiêu thụ thép đã giảm so với những tháng đầu năm và yếu tố đầu cơ không còn nữa, giá thép trong nước cũng dần ổn định hơn. Lượng thép tiêu thụ trong tháng 5/2016 giảm, chỉ còn khoảng 593.000 tấn, bằng 80,43% so với tháng trước. Theo VSA, đến hết tháng 5/2016, tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ trên toàn thị trường ước đạt gần 3,4 triệu tấn, tăng đến 33,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp hiện còn gần 380.000 tấn, cùng với lượng tiêu thụ có xu hướng giảm, nên khả năng thiếu thép trong thời gian tới gần như được loại bỏ.
Giá thép tăng không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà cả nhà nước, nền kinh tế cũng bị thiệt hại bởi nó kéo theo chi phí sản xuất cho thị trường bất động sản, thị trường xây dựng tăng.
Nửa đầu năm 2016, các công cụ tự vệ nhập khẩu cũng được Việt Nam và các nước áp dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam đã áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài cũng như áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đang trong giai đoạn
điều tra sơ bộ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong một động thái khác, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Ống thép cuộn cacbon (Circular Welded Carbon-Quality Steel Pipe - CWP) của 4 quốc gia bao gồm Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan (bị điều tra đồng thời chống trợ cấp) và Việt Nam đã quyết định sơ bộ áp mức thuế 113.18% đối với ống thép cuộn cacbon Việt Nam. Theo đó, trong thông báo DOC kết luận biên độ phá giá đối với các quốc gia lần lượt như sau: Pakistan 11.80%, Oman 7.86%, UAE 6.10% - 7.86%. Riêng đối với Việt Nam, DOC kết luận biên độ phá giá của 3 doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu tham gia trả lời bản câu hỏi và yêu cầu thuế suất riêng rẽ chỉ ở mức tối thiểu (de minimis) 0% - 0.38%; các doanh nghiệp không tham gia bị áp mức thuế suất toàn quốc ở mức 113.18% theo các dữ liệu sẵn có. Căn cứ theo quyết định này, DOC sẽ thông báo để cơ quan Hải quan Hoa Kỳ thu tiền đặt cọc khi nhập khẩu các sản phẩm trên từ những nước bị điều tra theo mức đã được xác định tại kết luận sơ bộ. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra nói trên và dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 16/10/2016, trừ khi thời hạn này được gia hạn thêm. Theo quy định, nếu DOC ban hành kết luận cuối cùng khẳng định tồn tại hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu và Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cũng ban hành kết luận cuối cùng xác định hành vi bán phá giá đó từ các quốc gia bị điều tra gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa thì DOC sẽ ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá. Ngược lại, nếu một trong hai cơ quan nói trên ra kết luận không có phá giá hoặc không tồn tại thiệt hại thì DOC sẽ ban hành biện pháp chống bán phá giá. ITC dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong tháng 11/2016.
Do thép xuất khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, cung thép trên thế giới dư thừa, khiến ngành thép cả thế giới lao đao và khiến Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Việc Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông (thuộc tập đoàn Hòa Phát) đề nghị trả lại hai mỏ quặng sắt có trữ lượng lớn đang khai thác tại Hà Giang cho Tổng cục Địa chất Khoáng sản là minh chứng mới nhất và chưa có tiền lệ báo hiệu chấm dứt thời hoàng kim của ngành khai khoáng Việt Nam.