Sức mua giảm, giá thép Châu Á giảm mạnh... nhưng Việt Nam vẫn neo cao.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), những ngày qua, giá thép cây Châu Á giảm do ít hoạt động mua bán, nhu cầu giảm ở Trung Quốc – quốc gia tiêu dùng thép lớn nhất toàn cầu.
Cụ thể, trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép giao dịch phiên hôm nay 25/4 giảm mạnh, về dưới mức 4.900 nhân dân tệ/tấn, từ mức 5.113 nhân dân tệ/tấn ghi nhận đầu tháng 4.
Giá các nguyên liệu đầu vào cũng đồng loạt giảm so với tháng 3/2022.
Trong đó, dữ liệu ngày 8/4 cho thấy, quặng sắt loại 62%Fe giao dịch ở mức 155 USD/Tấn CFR (cảng Thiên Tân, Trung Quốc) giảm khoảng 1,5 USD/tấn. Mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (210-212 USD/tấn); Giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) (xuất khẩu tại cảng Úc) giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với đầu tháng 3/2022; Giá HRC ở mức 878 USD/Tấn CFR, giảm khoảng 12 USD/Tấn...
Hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm tuần qua.
VSA cũng cho biết, nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong phiên họp của tiểu ban thép cho thấy, tác động dài hạn của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang trở nên khó dự đoán hơn.
Sự kiện này đã có những tác động gián tiếp lên thị trường thép khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng, cũng như những thay đổi về cơ cấu trong nhu cầu thép.
Nga và Ukraine hiện tiêu thụ tổng cộng 52 triệu tấn thép, chiếm khoảng 2,7% tổng khối lượng toàn thế giới trong năm 2020. Do đó, việc giảm mạnh tiêu thụ ở các nền kinh tế này, sẽ trực tiếp làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu trong ngắn hạn.
“Giá thép trên thế giới giảm là do giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt những tuần qua. Cùng với tâm lý lo ngại nhu cầu giảm, xuất phát từ việc đóng cửa tại các thành phố của Trung Quốc...”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức Hàng hóa Việt Nam (MXV) nói.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, sau khi tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, đỉnh điểm là tăng tới 4 lần trong nửa đầu tháng 3, giá thép chưa một lần giảm dù biến động đầu vào giảm. Hiện vẫn neo mức đỉnh khoảng 18,6-20,6 triệu đồng/tấn (phá mức đỉnh 18 triệu đồng năm 2021), tăng gần gấp đôi so với thời điểm ổn định (ngưỡng 10-13 triệu đồng/tấn)...
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho PV Báo Giao thông biết, Bộ đã có đề xuất về các sắc thuế nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng phôi thép và sản phẩm thép. Hiện đề xuất này đã được thông qua tại Nghị định 101/2021/NĐ-CP.
Theo đó, tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.
Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu một số mã hàng thép xây dựng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao (15%, 20%, 25%) để bình ổn giá cả mặt hàng thép trong nước.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần kiểm soát được giá các mặt hàng này. Tức là, phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra... để biết mức độ tăng có hợp lý không.
“Là sản phẩm quan trọng thì phải có dự báo cung - cầu. Từ đó có sự điều tiết thương mại, sẽ giảm được cú sốc giá”, ông Long nói.
VLXD.org (TH/ Giao thông)