Số liệu của Hiệp hội
sắt thép Trung Quốc cho biết tổng công suất thép của nước này ước tính 1,2 tỷ tấn và còn có thể tăng hơn nữa trong năm nay. Một số nước
sản xuất thép chỉ trích rằng Trung Quốc đang ráo riết bán thép dư thừa ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thành.
Năm 2015, lượng
thép mà Trung Quốc xuất khẩu được là 112 triệu tấn, cao hơn gấp 10 lần sản lượng thép cả năm của Vương quốc Anh. Theo Cục Thống kê Thép quốc tế của Vương quốc Anh, nước này đã nhập 826.000 tấn thép của Trung Quốc năm 2015, tăng hơn gấp đôi so với con số 361.000 tấn hai năm trước đó.
Các nhà sản xuất thép châu Âu đang lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Theo các nhà sản xuất, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có hành động hiệu quả để ngăn chặn các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu lượng thép dư thừa trong nước với giá dưới mức giá sản xuất. Hiệp hội Thép châu Âu (ESA, có trụ sở tại Brussels), tổ chức sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cho rằng giờ là lúc châu Âu cần phải hành động.
Tại Anh, Tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) đã thông báo bán các nhà máy tại nước này, do tình trạng dư cung,
giá thép giảm và lượng nhập khẩu thép giá rẻ vào châu Âu tăng mạnh. Hiện tại ở quốc gia này, Tata tuyển dụng 15.000 công nhân thép và nếu tính cả lực lượng lao động liên quan thì số việc làm có thể bị tác động bởi việc Tata đóng cửa nhà máy có thể lên tới 40.000. Hiện Chính phủ Anh đang gấp rút tìm đối tác có thể mua lại các nhà máy của Tata nhưng tình hình hiện tại chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trước tình hình nêu trên, để hỗ trợ
ngành thép nội địa đang trong khủng hoảng, Chính phủ Vương quốc Anh đã thông báo các dự án xây dựng công sẽ được khuyến khích sử dụng thép do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Động thái này sẽ tạo ra một sân chơi công bằng và giúp các nhà sản xuất thép của nước này cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài.
Ngày 31/3, các tập đoàn và nhà sản xuất thép châu Âu đã lên tiếng kêu gọi tăng mạnh thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Ngày 5/4, Hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) đưa tin: trong một nỗ lực nhằm cứu vãn ngành công nghiệp thép của Anh, Quốc vụ khanh về Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng của nước Anh Sajid Javid sẽ tới thành phố Mumbai của Ấn Độ để đàm phán với Chủ tịch tập đoàn Tata, ông Cyrus Mistry.
Trước khi lên đường ngày 5/4, ông Javid có cuộc gặp quan trọng với doanh nhân gốc Ấn Sanjeev Gupta, người bày tỏ quan tâm tới việc mua lại nhà máy Port Talbot đang gặp khó khăn của Tata Steel ở miền Nam xứ Wales.
Doanh nhân Gupta cho rằng nhiều nhà máy của Tata Steel ở Anh đang thua lỗ, nhưng ông tin rằng các nhà máy này có thể làm ăn có lãi trở lại.
Doanh nghiệp của ông đã và đang đàm phán với tập đoàn Tata về khả năng mua lại Port Talbot để giữ lại hàng nghìn việc làm.
Chính phủ Anh cho biết, theo các quy định cứu trợ nhà nước, Anh có thể hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp sản xuất thép, trong đó có việc giảm tiền lương hưu và chi phí nhiên liệu, song vẫn phản đối việc áp đặt mức thuế cao hơn đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đang cố gắng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng thép tại nước này do làn sóng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, nhu cầu thép trên toàn cầu giảm và cơ chế thuế nặng hơn so với nhiều quốc gia khác.
Thủ tướng Cameron đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn hạt nhân vừa bế mạc tại Washington (Mỹ), trong bối cảnh ngành công nghiệp thép ở Xứ sở Sương mù đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng bởi quyết định của Tập đoàn thép Tata (Ấn Độ) bán toàn bộ doanh nghiệp tại Anh sau gần một thập kỷ hoạt động. Nguyên nhân là chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt của thép giá rẻ Trung Quốc.