Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cho biết, ngày 22/8/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2605/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu tiến hành rà soát bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam, có mã HS 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.10; 7213.10.90; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam (mã vụ việc SG04).
Mức thuế hiện tại với phôi thép là 17,3%, với thép dài là 10,9%. Biện pháp dự kiến sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 22/3/2020 nếu không gia hạn.
Đối với vấn đề thép xuất ngoại, Cục Phòng vệ thương mại cũng vừa thông tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lại tiếp tục thông báo khởi xướng điều tra, chống lẩn tránh thuế bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với thép chống ăn mòn (CORE) của Costa Rica, Guatemala, Malaysia, Nam Phi và UAE với cáo buộc lẩn tránh thuế đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo đó, DOC sẽ điều tra xem xét liệu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Costa Rica, Guatemala, Malaysia, Nam Phi và các UAE có sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc hay không và xem xét thép CORE của Malaysia có sử dụng nguyên liệu từ Đài Loan (Trung Quốc) hay không.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, DOC có thẩm quyền khởi xướng điều tra (dựa trên hồ sơ)/tự khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế nếu có những bằng chứng rõ rằng về việc hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp AD, CVD thông qua quá trình chuyển đổi không đáng kể/lắp ráp/thay đổi không đáng kể tại nước thứ ba và xuất khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, phía Mỹ cũng cho biết, đây là lần đầu tiên nước này tự khởi xướng điều tra vụ việc chống lẩn tránh thuế thông qua việc giám sát dòng chảy thương mại trong thời gian qua.
Trong trường hợp xác định tồn tại hành vi lẩn tránh thuế, DOC sẽ đề nghị cơ quan hải quan nước này thu tiền đặt cọc sản phẩm thép CORE với mức thuế tương ứng với sản phẩm CORE của Trung Quốc/Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu từ các quốc gia nói trên.
Trước đó, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế AD, CVD với sản phẩm CORE của Trung Quốc, Hàn Quốc trong đó, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng xác định thép CORE của Việt Nam đang lẩn tránh thuế với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn