Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 36,1% về
lượng và tăng 10% về giá trị. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung
cấp sắt thép cho Việt Nam, và tiếp theo đó là các thị trường: Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài Loan.
Dư luận đã từng chứng kiến không ít doanh nghiệp thép bị phá sản, đóng
cửa hồi năm 2013 do thép Trung Quốc nhập lậu lấn át thép trong nước. Giá
thép nhập lậu từ Trung Quốc luôn thấp hơn giá trong nước, khiến cho
thép nội không thể cạnh tranh nổi. Chính sự cạnh tranh không cân sức đó
đã khiến cho thị trường thép một thời gian dài trầm lắng, các DN ngành
thép phải hoạt động cầm chừng. Tình trạng đó đã kéo dài lâu nay lại thêm
sức ép ảnh hưởng của các FTA được ký kết, ngành thép vốn khó nay càng
khó hơn.
Nhưng căn nguyên nỗi khổ ngành thép do đâu? Thách thức lớn nhất đang nằm
ở chỗ “thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu”. Hiện tại, cung thép xây dựng
đã vượt cầu nhưng các dự án thép mới xây dựng hoặc sắp đi vào hoạt động
vẫn có định hướng sản xuất loại thép này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu
thụ thép cán nóng, thép chế tạo, thép không gỉ… rất lớn thì chưa có
doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được. Do vậy Việt Nam vẫn phải nhập
các sản phẩm thép ngoại.
Theo các chuyên gia kinh tế đáng lẽ các doanh nghiệp Việt Nam phải ngồi
lại với nhau, bàn bạc phương án góp vốn xây dựng thay vì đầu tư nhỏ lẻ,
“mạnh ai, nấy làm”. Hơn nữa, việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư về cho
các địa phương lại càng khiến ngành thép phát triển ồ ạt, manh mún hơn.
Bên cạnh sức ép cạnh tranh gay gắt từ thép Trung Quốc nhập khẩu, trước cánh cửa hiệp định thương mại (FTA), doanh nghiệp thép nội đang lo lắng trước cuộc cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu từ một số nước khác.
Các ưu đãi thuế quan đến từ hiệp định thương mại (FTA) được ký kết đã mở ra cửa sáng cho nhiều ngành sản xuất nội địa. Nhưng sức ảnh hưởng của những hiệp định này đến một số ngành như thép lại rất lớn, khiến cho nhiều doanh nghiệp thép lo lắng. Cụ thể là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu (Việt Nam- EAEU FTA), hay trước đó nữa là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được 2 nước ký kết hồi đầu tháng 5.
Liên minh Kinh tế Á-Âu có bốn Cá cược game
chính thức là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia.Việt Nam ký kết FTA với liên minh kinh tế này sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế không nhỏ. Ngay tại thời điểm FTA có hiệu lực (1/1/2016), khoảng 53% dòng thuế sẽ về mức 0%, sau đó các dòng thuế sẽ giảm theo lộ trình cam kết. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU hầu như không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau. Nhưng có điểm đặc biệt được lưu ý là một số nhóm mặt hàng thị trường EAEU rất có thế mạnh, đó là sắt thép.
Do có tính tương đồng cao nên thép là mặt hàng có nguy cơ bị các nước EAEU xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp thép trong nước cũng lo lắng khi FTA này được ký kết, thép từ EAEU sẽ tràn vào cạnh tranh với thép trong nước. Thống kê cho thấy biết, tỷ trọng nhập khẩu sắt thép của Việt Nam chiếm 12% tổng kim ngạch nhập khẩu từ EAEU. Lâu nay thép từ Nga nhập vẫn được nhập về Việt Nam chủ yếu là thép tấm, thép lá, thép hình … Tương lai các thuế quan được gỡ bỏ, nguyên liệu thô, ống thép hàn, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt càng có cơ hội lấn sâu hơn vào thị trường nội địa.
Trở lại với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), theo Bộ Công thương, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, tập trung ở các nhóm hàng nguyên liệu nhựa, sản phẩm sắt thép… nhập khẩu từ Hàn Quốc theo cam kết VKFTA. Trong khi đó thị trường thép Việt Nam hiện nay đang rất nhiều các sản phẩm đến từ Hàn Quốc.
VLXD.org (TH/ĐĐK)