Đạt được mức tiêu thụ trên do nhu cầu thép từ các công trình xây dựng
đang được triển khai mạnh, nhờ đó, sản phẩm thép xây dựng cũng tăng
trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên mức tăng trưởng giữa
các doanh nghiệp thép vẫn không đồng đều, nổi trội nhất vẫn là
thép Hòa Phát, tiếp đến là Tổng công ty Thép Việt Nam, Kyoei, thép Việt…
Dù tiêu thụ thép xây dựng có nhiều thuận lợi nhưng, Phó Chủ tịch Hiệp
hội Thép Việt Nam vẫn khuyến cáo: Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp
thép muốn làm ăn hiệu quả cần phải nâng cao hiểu biết về thông lệ quốc
tế, nâng cao tính cạnh tranh về sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đầu tư mở
rộng kênh bán hàng cũng như quản lý chặt chẽ trong sản xuất, kinh
doanh...
Do thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các chuyên gia
ngành thép
dự báo năm 2015, thép xây dựng tăng trưởng chỉ đạt khoảng 10%-11%. Tuy
nhiên, 5 tháng đầu năm, sức tăng trưởng đã vượt xa dự tính ban đầu.
Từ đầu năm 2015, thị trường nội địa tiêu thụ mặt hàng
sắt thép khá tốt,
giá bán tại nguồn duy trì ổn định và nhiều dự án lớn đã khởi công. Đây
là cơ hội thuận lợi để các nhà sản xuất trong nước bán lượng hàng tồn
kho và tăng sản lượng. Tuy nhiên, sản phẩm sắt thép trong nước lại bị
sắt thép ngoại giá rẻ cạnh tranh dành gần hết cơ hội.
Từ đầu năm đến nay, sắt thép ngoại tràn vào Việt Nam nhiều, đặc biệt
thép giá rẻ Trung Quốc, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất thép nội
địa. Tuy thép Trung Quốc chất lượng kém so với sắt thép sản xuất trong
nước, nhưng vì giá rẻ hơn 1-2 triệu đồng/tấn nên vẫn được thị trường
tiêu thụ nhiều.
Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã ký kết 9 hiệp định thương mại tự
do và 6 hiệp định đang đàm phán, dự kiến sẽ được ký kết trong cuối năm
2015. Với những mặt hàng Việt Nam đang nhập khẩu nhiều thì đây là thách
thức lớn.
Không chỉ cạnh tranh với thép giá rẻ Trung Quốc, gần đây doanh nghiệp
thép nội địa còn cạnh tranh với thép từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu với
số lượng lớn vào Việt Nam, trong đó cuộc cạnh tranh với thép Trung Quốc
là gay gắt hơn cả. Tìm hiểu ở một số công ty xây dựng, chủ thầu hầu hết
đều khẳng định, sắt thép của Trung Quốc chất lượng, kích thước phần lớn
kém xa hàng Việt, nhưng vì giá rẻ nên nhiều công trình, dự án vẫn sử
dụng.
Sắt thép nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng
mạnh và dự kiến sẽ còn tăng cao khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam
- Hàn Quốc chính thức ký kết. Hiện nhu cầu sử dụng thép hợp kim dùng
trong xây dựng rất lớn, song hầu như chưa doanh nghiệp Việt nào sản xuất
được, chưa kể loại thép này giá rẻ hơn nhiều so với thép dùng trong xây
dựng trong nước nên doanh nghiệp Việt đang mất dần lợi thế cạnh tranh
ngay sân nhà. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 11
triệu tấn sắt thép, có đến 5 triệu tấn thép hợp kim. Trong 4 tháng đầu
năm 2015, Việt Nam đã bỏ ra 2,2 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép các loại.
Mạnh Thân - VLXD.org (TH)