Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Xi măng

Ngành xi măng đón đầu tăng trưởng của thị trường

06/03/2015 - 06:07 SA

Dấu hiệu tích cực của thị trường đã bắt đầu được nhìn thấy từ năm 2014 khi tiêu thụ xi măng tăng 15% so với năm 2013. Theo ý kiến một số chuyên gia, năm 2015, ngành xi măng sẽ tập trung tiêu thụ chủ yếu ở khu vực đầu tư công với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, công trình cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn và khu vực nhà ở dân sinh.
Trong đó, lĩnh vực đầu tư công có thể tăng trưởng khoảng 6% nhu cầu tiêu thụ xi măng, nhà ở dân sinh dự báo có mức tăng cao hơn khoảng 7-8%. Nếu nắm bắt được cơ hội này, tiêu thụ xi măng trong nước hứa hẹn sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực trong năm nay.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, những chuyển biến tốt của thị trường xi măng có tác động từ sự ấm lên của thị trường bất động sản, nhu cầu xây dựng của người dân tăng và việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Giá bán xi măng hiện cũng chưa có biến động lớn, đó sẽ là điều kiện để đẩy mạnh tiêu thụ. Đầu năm 2015, sản xuất xi măng trong nước tiếp tục có tăng trưởng khá.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất xi măng 2 tháng đầu năm 2015 tăng cao so với cùng kỳ 2014, đạt mức 19,8%, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp nói chung có sự ổn định và nhu cầu trong nước có xu hướng tăng lên.

 
Vận chuyển xi măng đến nơi tiêu thụ tại Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường xi măng, Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 5 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clanh-ke/ngày ra khỏi quy hoạch, hoãn thực hiện 9 dự án đến giai đoạn sau năm 2015. Dự kiến, năm 2015 chỉ có 1 dây chuyền xi măng mới được đưa vào sản xuất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch cung-cầu.

Một trong những khó khăn lớn nhất ngành xi măng phải đối mặt trong năm 2015 là sự gia tăng của một số chi phí đầu vào trong khi giá bán khó tăng theo, do các đơn vị đều phải cố gắng giữ thị phần. Trong thời gian tới, giá thành sản xuất xi măng sẽ phải tăng thêm chi phí khi giá điện sẽ tăng. Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn, nhưng khi giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí, dịch vụ khác ăn theo, tác động đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị sản xuất. Bên cạnh đó, chi phí vận tải đã bắt đầu có sự điều chỉnh. Thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng xe, các đơn vị sản xuất xi măng phải tìm mọi cách để tối ưu hóa phương thức vận tải. Trước đây, xi măng chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, hiện nay, chi phí vận tải đường bộ tăng lên, một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển một phần sang đường sắt và đường thủy. Ngoài ra, trong cùng một đơn vị cũng có sự phân chia công việc giữa các nhà máy. Những nhà máy ở gần cảng biển sẽ tập trung chủ yếu cho các sản phẩm xuất khẩu để tiết kiệm chi phí vận tải, nhà máynằm sâu trong nội địa sẽ dồn sức cho thị trường trong nước.

Năm 2015 cũng là thời hạn cuối cùng mà Bộ Xây dựng đưa ra để các nhà máy xi măng đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt lò nung phục vụ phát điện. Theo đó, mỗi dây chuyền xi măng công suất từ 2.500 tấn clanh-ke/ngày trở lên bắt buộc phải đầu tư thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải từ lò nung để phát điện, chi phí tính sơ bộ khoảng 400 tỷ đồng cho một dây chuyền. Ngoài kinh phí lớn, việc đầu tư hệ thống này cũng đòi hỏi phải lựa chọn công nghệ hiện đại. Thực tế, đã có hệ thống thu hồi nhiệt lò nung được lắp đặt ở một số dây chuyền nhưng hoạt động không hiệu quả. Khi nhiệt độ trong lò không đủ, hệ thống không thể phát điện, để duy trì phải đốt thêm than, vô hình trung lại làm tăng thêm chi phí vận hành. Bộ Xây dựng vừa có đề xuất với Bộ Tài chính đưa hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung của các nhà máy xi măng vào danh mục được vay vốn ưu đãi. Nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện cân đối tài chính, đẩy mạnh đầu tư khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

VLXD.org (TH/QĐND)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng