Trong tháng 7/2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 5,95 triệu tấn, giảm khoảng 27% so với tháng 7/2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,85 triệu tấn (Vicem tiêu thụ khoảng 1,75 triệu tấn); xuất khẩu ước đạt khoảng 1,1 triệu tấn.
Tính chung trong 7 tháng năm 2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 54,99 triệu tấn, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 36,84 triệu tấn, giảm khoảng 3% cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 7 tháng chỉ ước đạt 18,15 triệu tấn, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2021 (Vicem tiêu thụ khoảng 12,84 triệu tấn); theo Vụ Vật liệu xây dựng, hiện tồn kho cả nước 7 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn tương đương từ 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Trung Quốc, Philippines, 2 thị trường , clinker chính của Việt Nam đều có mức sụt giảm nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero-Covid, cùng với đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua. Còn đối với thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao.
Theo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng, thời điểm cuối tháng 6/2022, giá bán xi măng trong nước tăng từ 60.000 - 80.000 đồng/tấn tùy chủng loại, thương hiệu, do giá than tăng cao. Theo Hiệp hội Xi măng, trong khi giá thành sản xuất xi măng tăng vọt nhưng giá xuất khẩu sản phẩm xi măng không tăng làm các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá.
Phân tích thêm về nguyên nhân giảm mạnh cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, theo TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay giá nhiên liệu than tăng hơn gấp đôi so với trước kia, trong khi chi phí than trong sản xuất clinker chiếm tới 56% làm đội giá thành sản xuất cũng như tăng giá bán sản phẩm. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất vì càng sản xuất càng lỗ.
Năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức cao (khoảng 108 triệu tấn năm 2022), trong khi tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ khoảng 65 triệu tấn, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng của các doanh nghiệp trong ngành.
Ngành xi măng có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 30 - 35% giá thành sản xuất. Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu làm giảm biên lợi nhuận.
VLXD.org (TH)