Xuất khẩu vẫn là giải pháp của ngành xi măng
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng
trưởng bền vững” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công
Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp
xi măng Việt Nam đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nhiều
dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, đưa Việt Nam trở thành một
trong những nước sản xuất lớn về xi măng trong khu vực.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, qua nhiều năm phải nhập khẩu, từ năm
2010, Việt Nam đã xuất khẩu xi măng và clinker. Đến nay, sau 4 năm gia
nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu, ngành xi măng đã xuất khẩu với mức
tăng trưởng nhanh và ấn tượng, trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng đứng
đầu các nước Đông Nam Á. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker
đã đạt mức 912 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần so với năm đầu tiên Việt
Nam tham gia xuất khẩu xi măng.
Trong những năm qua, ngành xi măng đã đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh minh hoạ
“Con số này cho thấy sự nỗ lực cũng như cố gắng của các doanh nghiệp xi
măng trong việc tiếp cận thị trường thế giới, tham gia hội nhập quốc tế
theo xu hướng chung, đưa hoạt động xuất khẩu dần trở thành một kênh tiêu
thụ quan trọng của ngành xi măng Việt Nam và thu được nhiều lợi ích từ
hoạt động này”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay, xuất khẩu đang là giải pháp cho
thị trường xi măng Việt Nam, bởi hiện nay công suất thiết kế cũng như
công suất của thực tế của ngành xi măng khoảng 70 - 80 triệu tấn/năm,
trong khi đó, tiêu thụ nội địa chỉ hơn 50 triêu tấn/năm. Như vậy, theo
tính toán, lượng dư thừa là trên dưới 20 triệu tấn/năm và chắc chắn sẽ
tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Liên quan đến câu hỏi về những giải pháp để tránh xảy ra tình trạng xuất
khẩu xi măng ồ ạt trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho
biết, theo đánh giá của Bộ Xây dựng thì trữ lượng đá vôi, nguyên liệu
chính của sản xuất xi măng ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, không phải
vì như vậy mà chúng ta sẽ phung phí tài nguyên để phục vụ cho công
nghiệp cũng như xuất khẩu.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: “Trong điều kiện phát triển
ngành xi măng, trước tiên nhằm phục vụ nhu cầu về xây dựng trong thị
trường nội địa. Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất xi măng được xây dựng
trong thời gian qua đã đưa công xuất sản xuất xi măng của Việt Nam lên
mức cao, dẫn đến chúng ta phải tính đến bài toán tiêu thụ sản phẩm xi
măng ở thị trường bên ngoài thông qua xuất khẩu”.
Xi măng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế
Cũng liên quan đến xuất khẩu xi măng Việt Nam, tại Hội thảo “Xuất khẩu
xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững”, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục
trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Việt Nam có
106 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh trong ngành xi măng,
với 74 dây chuyền sản xuất xi măng. Tổng công suất thiết kế của ngành đã
đạt mức 82 triệu tấn xi măng/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và đã
xuất khẩu một phần ra thị trường thế giới.
Ông Hải cho biết thêm, sau nhiều năm phải nhập khẩu xi măng, từ năm 2010
đến nay, ngành đã tham gia góp mặt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu và
gia tăng nhanh chóng lượng xuất khẩu. Năm 2014 ngành xuất khẩu đạt 21,1
triệu tấn, chiếm 30% sản lượng tiêu thụ toàn ngành với trị giá 912,4
triệu USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên Việt Nam xuất
khẩu xi măng, clinker.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết thêm, trong những năm
qua, ngành xi măng đã đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng
kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành xi măng trong nước cũng đang đối
mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trang cung vượt cầu nhiều,
giá điện, than, xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào khác vẫn đang tiếp
tục tăng cao. “Xuất khẩu trong thời gian qua đã và đang là lối thoát cho
các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước, giảm áp lực tồn đọng sản
phẩm do cung vượt cầu, mang lại thu nhập ngoại tệ cho đất nước, góp phần
cân đối cán cân thương mại”, ông Hải khẳng định.
Đưa ra giải pháp để xuất khẩu xi măng đạt hiệu quả và có tính bền vững,
các doanh nghiệp cần quan tâm đến đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm
nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản lý, áp
dụng các giải pháp để tiếp kiệm điện năng. Tiêu thụ xi măng cần đảm bảo
hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh
của sản phẩm bằng việc hợp lý hóa quy trình vận chuyển, để tiết kiệm
thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, chất lượng sản phẩm
xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu thụ trong nước; Các doanh nghiệp cần
liên kết giữa nhà sản xuất và xuất khẩu, giữa các nhà sản xuất với nhau
để có thể cung cấp hàng hóa kịp thòi theo yêu cầu của khách hàng về số
lượng cũng như thời gian.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nguyên
cứu thương mại cũng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng cần
tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng, nhằm nâng
cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xúc tiến
thương mại. Đặc biệt, cần đầu tư về công nghệ, chắp nối, thống nhất giá
giữa các nhà máy xi măng với nhau, tránh tình trạng bị đối tác nước
ngoài ép giá, hướng tới phát tiển công nghệ xanh trong sản xuất, đảm bảo
môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo VnMedia