Với kết quả này, đã đưa Việt Nam từ một nước phải
nhập khẩu clinker, thì chỉ trong vòng 4 năm từ 2010-2014, đã vươn đứng
thứ 5 trên thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng.
Sự phát triển nhanh của ngành xi măng, một mặt tạo điều kiện tự chủ
về nguồn cung cho thị trường trong nước và dư một phần cho xuất khẩu,
tuy vậy, để đi đường xa, vẫn còn nhiều việc đang chờ ngành xi măng giải
quyết.
Lo ngại về tính bền vững của xuất khẩu xi măng, Bộ Công
thương và Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo "Xuất khẩu xi măng hướng tới
tăng trưởng bền vững" với sự góp mặt của một số tên tuổi xi măng có đóng
góp lớn cho xuất khẩu nhằm tìm ra giải pháp ổn thỏa nhất cho xuất khẩu
xi măng.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, kết thúc năm 2014,
tổng tiêu thụ ngành xi măng đạt 71 triệu tấn, trong đó nội địa là 50,6
triệu tấn và xuất khẩu là 20,4 triệu tấn.
Hiện tại, công suất toàn ngành xi măng đang vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20-25%.
Vụ
trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Lê Văn Tới cho biết,
hiện Việt Nam chỉ đứng sau 4 nước có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới
là Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ.
Do nguồn cung vượt cầu tới
20-25% tổng sản lượng, các doanh nghiệp trong ngành xi măng đang đẩy
mạnh tiêu thụ bằng xuất khẩu, dự báo, chỉ trong năm 2015 này, xi măng sẽ
gia nhập nhóm hàng hóa xuất khẩu tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh
giá của Bộ Xây dựng, dù sản lượng xi măng xuất khẩu đang gia tăng mạnh
trong vài năm qua, nhưng còn tiềm ẩn nhiều manh mún và chưa bền vững.
Phần
lớn các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và
mức độ tập trung thấp, chưa khai thác được tận gốc thị trường xuất khẩu
mà phụ thuộc vào trung gian, rủi ro lớn vì bị ép giá và cả khâu thanh
toán.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh
nghiệp Nhà nước, giữ 34% thị phần, với tổng sản lượng 23 triệu tấn, thâm
niên nhiều năm xuất khẩu xi măng nhưng 2/3 trong tổng sản lượng xuất
khẩu đều phải qua trung gian.
Hầu hết lượng xi măng xuất khẩu là
xi măng rời, theo hình thức gia công cho các thương hiệu xi măng hoặc
các công ty thương mại quốc tế và mỗi doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, chưa
liên kết chặt chẽ để tăng sức mạnh.
Do phụ thuộc vào trung gian,
xuất khẩu tập trung ở một số thị trường nên hay bị ép giá, hiệu quả
xuất khẩu chưa cao, đại diện Vicem thừa nhận.
Hiện ngành xi măng
có 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xi măng, trong đó, xuất khẩu
chủ yếu qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading.
Thứ
trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, khi đã nói đến hiệu quả
trong xuất khẩu thì phải đảm bảo yếu tố mang tính bền vững trong tương
lai chứ không phải chỉ đơn thuần là tính đến giá trị xuất khẩu đã đạt
được trong năm 2014 và những năm trước đó.
Dẫu vậy, với tổng công
suất thiết kế của ngành xi măng lớn, vượt nhu cầu nội địa hơn 20 triệu
tấn/năm, chưa kể còn một số dự án đang trong quá trình xây dựng, thì
xuất khẩu là giải pháp tiêu thụ cần thiết cho cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Theo
Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với 912,4 triệu USD giá trị xuất khẩu xi
măng, clinker đã thu về trong năm 2014 được xem là nguồn ngoại tệ đáng
kể góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đồng thời giúp
bình ổn cán cân thương mại.
Đáng chú ý, giá trị đạt cao hơn so
với khoảng 2 năm trở lại đây. Giá xuất xi măng bình quân hiện ở mức
43,155 USD/tấn sản phẩm. Mức giá này tăng khoảng 2 USD/tấn sản phẩm.
Như
vậy, giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang dần cân bằng và tương
đương với giá của mặt bằng xuất khẩu chung giữa các nước trong khu vực.
Hết quý I/2015, ngành xi măng đã xuất khẩu gần 4,6 triệu tấn sản phẩm, đạt trị giá 200 triệu USD.
So
với cùng kỳ năm 2014, thì xuất khẩu giảm cả về lượng và giá trị, với
mức giảm tương đương là 28,6% và 26,8%. Nhưng, đại diện Hiệp hội Xi măng
Việt Nam cho hay, việc suy giảm xuất khẩu trong quý 1 là không đáng lo
ngại do thời gian này có nhiều ngày nghỉ Lễ.
Trong số các doanh
nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn, ngoài Vicem, với trên 3,5 triệu tấn
xuất khẩu của năm 2014, thì thời gian qua, Công ty CP Xi măng Thăng Long
đã làm được là xuất khẩu xi măng đóng bao (dẫu sản lượng còn hạn chế)
mang thương hiệu Xi măng Thăng Long sang thị trường Philippines.
Còn
Tập đoàn Xi măng The Vissai, sau 10 năm thành lập cũng công bố sản
lượng xuất khẩu đã vượt mốc 7 triệu tấn. Theo đại diện Vissai, năm
2013-2014, thành công nhất của The Vissai là đàm phán và ký hợp đồng
xuất khẩu trực tiếp với các nhà nhập khẩu tại 3 thị trường khó tính là
Mỹ, Australia và Pháp. Tập đoàn này đang kỳ vọng gia tăng được các đơn
hàng xuất khẩu trực tiếp
Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho
biết, để xuất khẩu xi măng được bền vững, cần giải quyết ngay câu chuyện
xuất khẩu phân tán, mạnh ai nấy làm, liên kết các doanh nghiệp thành
đầu mối đủ mạnh, gia tăng tính cạnh tranh và lợi thế về giá cho xi măng
xuất khẩu. Hiện, mới chỉ có Vicem, Vissai...công suất lớn, có lợi thế
hơn cả khi đàm phán với các đối tác nhập khẩu.
Chỉ khi các doanh
nghiệp liên kết và thống nhất cách làm, thì sẽ gia tăng sức mạnh, hạn
chế được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chèn ép giá để có đơn hàng xuất
khẩu, quan trọng hơn, khi xuất khẩu bền vững, sẽ tạo điều kiện để ngành
xi măng giảm áp lực về tồn kho, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
nhấn mạnh.
Theo Báo Đầu tư