Hiện tượng nhà bị lún được hiểu là chuyển vị thẳng đứng không đều dẫn đến chuyển vị ngang gây nghiêng nhà. Công trình nào cũng bị lún tuy nhiên cần đảm bảo ở mức độ cho phép (nhỏ hơn 8cm). Khi độ lún vượt quá mức độ cho phép không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình mà còn có thể ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
Hình ảnh tình trạng nền nhà bị lún.
3 nguyên nhân khiến nền nhà bị lún
1. Nền nhà lún do kết cấu sai
Kết cấu sai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nền nhà bị lún. Nguyên nhân này xảy ra do gia chủ, kiến trúc sư, thợ thi công tính sai lực lún, thi công giải quyết móng không hợp lý. Nhiều trường hợp xảy ra do trong quá trình thi công diện tích phần móng có những sai lệch so với bản thiết kế ban đầu.
Nền nhà bị lún do kết cấu công trình sai.
Một số vị trí trong nhà thường xảy ra hiện tượng lún cao nhất là ban công, cột nhà, tường nhà… do lực của ban công, cột, tường thường lớn hơn lực ở bên trong. Tuy nhiên tính toán lực lún người thiết kế thường bỏ qua dẫn đến tính lực cột không đúng, tính diện tích móng không phù hợp gây ra lún không đều.
2. Do gia cố móng không chính xác
Việc những người thợ thi công gia cố móng không chính xác là nguyên nhân ảnh hưởng đến độ lún của công trình. Cụ thể, nhiều công trình được đóng cừ tràm và phủ lên lớp cát dày 10 - 20cm gây ảnh hưởng rất lớn đến cấu tạo móng. Áp lực của ngôi nhà khiến móng cát bị lún xuống tạo ra dòng chảy gây lún. Nền nhà bị lún cũng có thể do nhiều công trình có chiều dày lớp cát đệm không đều nhau.
Không những thế, lớp cát phủ thường không liên kết với khối cừ tràm khiến độ cứng nền móng yếu, dễ bị rung động khi có lực mạnh ở gần hoặc khi xe chạy qua. Vì thế khi thi công nhà ở, bạn nên yêu cầu thợ đặt một lớp bê tông lót vào đầy lớp cừ tràm giúp tạo thành khối chịu lực, hạn chế tình trạng lún nền.
Gia cố móng ảnh hưởng đến chất lượng công trình, độ lún nền.
3. Nền lún do quá trình thi công ngôi nhà
Một nguyên nhân phổ biến gây lún công trình thường do việc thi công kém chất lượng, không đúng kỹ thuật. Có thể là vật liệu thi công không tốt, ảnh hưởng đến cấu trúc móng, khiến móng lỏng lẻo, không đảm bảo sự chắc chắn.
Việc nền nhà bị lún cũng do các công trình xung quanh không đảm bảo chất lượng. Ngôi nhà mới xây đào móng lún có thể ảnh hưởng đến độ nghiêng, độ lún của ngôi nhà đã xây thời gian trước và chính độ lún công trình đó.
Quá trình thi công nhà không đảm bảo có thể gây ra nền nhà sụp lún.
Cách khắc phục tình trạng nền nhà bị lún
Muốn xử lý tình trạng nền nhà bị lún, chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân để có thể lựa chọn biện pháp khắc phục phù hợp. Nếu công trình xây dựng gặp tình trạng nền bị lún, bạn cần chú ý thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chẩn đoán tình trạng công trình
Việc chẩn đoán tình trạng công trình có thể dễ quan sát nhất bằng cách chú ý sự rung lắc khi có ô tô đi qua. Ngoài ra, bạn cũng cần đặc biệt chú ý đến hiện trạng các vết nứt, những biến dạng công trình, độ tuổi, độ cứng, tư thế ngôi nhà. Những thông tin này sẽ giúp ích cho việc khắc phục không chỉ tình trạng nền nhà bị lún mà cả những hư hỏng liên quan.
Bước 2: Điều khiển nhà
Điều khiển nhà nhà thực chất là việc chuyển công trình sang dạng cân bằng động. Sau đó sử dụng các biện pháp chuyên môn để đảm bảo sự cân bằng ổn định. Biện pháp khắc phục phổ biến là hạ móng phía bên móng cao xuống hoặc chèn đôn móng bên phía lún lên để đảm bảo cân bằng, hạn chế việc lún.
Điều khiển nhà giúp chuyển công trình sang dạng cân bằng.
Bước 3: Phân tích kết cấu
Sau khi thực hiện điều khiển nhà, những người thợ sửa chữa sẽ tiến hành chạy mô hình trên máy tính để kiểm định chất lượng và tiến hành gia cố bổ sung đến khi đạt yêu cầu.
Thay vì việc tốn kém chi phí để tháo dỡ và xây mới nhà thì bạn chỉ cần bỏ ra 10 - 30% tổng chi phí trên vào việc xử lý nền nhà bị lún. Hãy lưu ý xác định rõ nguyên nhân để có thể lựa chọn được biện pháp phù hợp nhất cho ngôi nhà của mình.
VLXD.org (TH/ Happynest)