>> Tấm thạch cao Knauf đã có mặt tại thị trường miền NamHiện, tại thị trường trong nước, chỉ có Vĩnh Tường là thương hiệu có thể ngang tầm với nhà đầu tư nước ngoài. Thành lập năm 1991, Vĩnh Tường là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất và cung cấp các loại khung trần, tấm trang trí thay cho hàng nhập khẩu.
Với tham vọng trở thành nhà sản xuất và cung cấp các giải pháp trần và vách ngăn được ưa chuộng nhất khu vực ASEAN, Vĩnh Tường đã xây dựng 5 nhà máy tại Việt Nam, Singapore, Campuchia, cung cấp hơn 25 triệu m2 khung trần/năm và gần 30 triệu m2 tấm trần cho thị trường Đông Nam Á, Úc, Sri Lanka, Nam Phi...
Năm 2007, Công ty đã xây dựng được hệ thống 300 nhà phân phối, chiếm 70% thị phần cả nước.
Năm 2014, Công ty đạt hơn 2.100 tỷ đồng doanh thu, hơn 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; đặt kế hoạch 2.300 tỷ đồng doanh thu năm 2015 với tỷ lệ trả cổ tức 15%.
Mạnh là vậy nhưng đầu tháng 6 này, Vĩnh Tường phải bán 57% cổ phần cho Saint-Gobain Việt Nam. Động thái này cho thấy Vĩnh Tường đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi mà Saint-Gobain quyết tâm "thống lĩnh" thị trường Việt Nam.
Điều này cũng có cơ sở khi đây là công ty vật liệu xây dựng của Tập đoàn Saint-Gobain (Pháp) có bề dày 350 năm.
Trong lĩnh vực thạch cao, Saint-Gobain cũng có thâm niên đến 100 năm và nhiều năm liền được Thomson Reuters bình chọn là một trong 100 tập đoàn sáng giá nhất thế giới.
Không chỉ bị áp lực từ Saint-Gobain, Vĩnh Tường còn đang bị bủa vây bởi những thương hiệu lớn từ nước ngoài như Knauf, Boral Gypsum. Trong đó, Knauf tuy chỉ mới thâm nhập thị trường nhưng cũng là một trong những thương hiệu "đáng gờm".
Tập đoàn này hiện là nhà cung cấp tấm thạch cao đứng thứ 2 toàn cầu với 220 nhà máy và văn phòng ở hơn 60 quốc gia cùng lực lượng lao động hơn 25.000 người. Knauf đang tập trung vào các thị trường Thái Lan, Indonesia, Úc và Việt Nam.
Ông David Victor Thomas, cho biết, Knauf chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao như tấm thạch cao tiêu chuẩn StandardShield, tấm thạch cao chịu ẩm, chống cháy, tấm sợi khoáng... Trong khi chờ sản phẩm từ nhà máy tại Việt Nam, Knauf đã nhập khẩu để đưa vào thị trường.
Và điều đáng nói là "Rất nhiều công ty xây dựng và các chuyên gia thiết kế dùng các sản phẩm Knauf cho các dự án của họ, từ các công trình công nghiệp tới các trung tâm thương mại và các khu dân dư, đô thị”, ông David Victor Thomas cho biết.
Thương hiệu thứ 3 khiến Vĩnh Tường thêm khó là Boral Gypsum - một tập đoàn có quy mô lớn hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp tấm trần thạch cao hàng đầu Việt Nam này.
Xây dựng nhà máy từ năm 2006, đến giữa năm 2011, Boral Gypsum đã đầu tư thêm 20 triệu USD để nâng công suất nhà máy lên 40 triệu m2/năm (cao gấp 3 lần so với nhà máy xây dựng trước đó). Đã vậy, sản phẩm của công ty này có chất lượng cao nhưng lại có mức giá rất cạnh tranh cho các công trình lớn và trọng điểm.
VLXD.org (TH)