Nếu như năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 700 ngàn tấn tôn (chủ yếu từ Trung Quốc), thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 Việt Nam đã nhập khẩu xấp xỉ 500 ngàn tấn.
Ảnh minh họa
Con số phản ánh trên phần nào thể hiện rõ nét sức ép cạnh tranh gia tăng giữa tôn nhập khẩu và tôn sản xuất trong nước. Để rộng đường tiêu thụ, các doanh nghiệp (DN) sản xuất tôn trong nước đã tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên mỗi nước tự bảo vệ hàng sản xuất trong nước bằng chiêu bài kiện “chống bán phá giá”, khiến cho sản lượng tôn Việt xuất khẩu gặp khó, song nhập khẩu về ngày một tăng cao.
Theo con số cập nhật của Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tôn mạ VNSteel Thăng Long Nguyễn Đức Hiệp, 6 tháng đầu năm, tổng tiêu thụ các sản phẩm tôn (cả tôn mạ kẽm và tôn mạ màu) trong nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Trong đó, sản phẩm trong nước đạt trên 1 triệu tấn; nhập khẩu từ Trung Quốc gần 500 ngàn tấn, tăng gần 30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2014.
Ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- cho rằng, nguyên nhân dẫn tới nhập khẩu tăng “đột biến” là do giá bán sản phẩm tôn Trung Quốc rẻ. Tôn Trung Quốc có nước sơn kém và độ dày không đạt chuẩn nhưng người tiêu dùng ham rẻ, người bán hàng lại tham lời, sẵn sàng “hô biến” tôn có độ dày 0,36mm thành 0,42mm để kênh giá, dẫn đến người mua “thiệt đơn, thiệt kép”.
Cũng theo ông Sưa, để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, đặc biệt giúp người tiêu dùng trong nước tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, các DN sản xuất tôn đã có những kiến nghị tới VSA.
Qua xem xét, VSA yêu cầu các DN tập hợp các số liệu nhập khẩu, những căn cứ, cũng như chất lượng sản phẩm tôn… một cách chính xác. Nếu bảo đảm các thủ tục, VSA sẽ kiến nghị lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để có những biện pháp phù hợp bảo vệ lợi ích cho sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất tôn cũng kêu gọi các bộ, ngành sớm xây dựng “Quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm tôn trong nước”. Đồng thời, nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc, như: Xuất xứ, nhãn hiệu, độ dày, để kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo Báo Công Thương