Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng hằng năm đã tư vấn cho gần 100 trường hợp bị doanh nghiệp xâm phạm như không thực hiện đầy đủ chế độ bảo hành, chất lượng hàng hóa không bảo đảm, chất lượng dịch vụ chưa tốt, không được thụ hưởng kết quả khuyến mại, doanh nghiệp vi phạm quy định về nhãn hàng hóa…
Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gần đây, người tiêu dùng đã chú trọng hơn đến quyền lợi của mình, chính vì thế họ tìm đến với Hội để nhờ can thiệp ngày một nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người tiêu dùng ngần ngại “gõ cửa” Hội vì không tin tưởng sự việc sẽ giải quyết đem lại kết quả có lợi cho người tiêu dùng. Trường hợp chị Thảo (trú tại Khu tập thể Hòa Cường) cho hay, mới đây gia đình chị mua một chiếc xe máy liên doanh tại một cửa hàng trên đường Hùng Vương, xe đi được vài tháng đã bị hỏng hóc liên tục.
Chị đem xe đến cửa hàng đòi bảo hành và thay thế thiết bị nhưng không thỏa thuận được. Chị đến gõ cửa cơ quan báo chí nhờ can thiệp và được hướng dẫn đến văn phòng Hội; sau khi đã làm đơn, cuối cùng ngần ngừ mãi, chị không có ý định khiếu kiện nữa mà chép miệng “thôi thì xui thì chịu vậy”? Trường hợp của anh Huỳnh Phương, phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) cũng tương tự. Cách đây vài tháng, anh Phương có mua một nồi cơm điện tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Lường Bằng, với giá gần một triệu đồng. Anh Phương cũng được chủ cửa hàng “phát” cho giấy bảo hành sản phẩm này một năm, thế nhưng mới chỉ được 2 tháng, cơm nấu chỗ sống chỗ chín… “Tôi đã cầm giấy bảo hành và nồi cơm tới cửa hàng để đổi nhưng người bán nói là lỗi này không phải của nhà sản xuất mà do lỗi sử dụng nên cãi nhau một hồi rồi ra về. Nếu biết có Hội Người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi, lần sau chắc chắn tôi sẽ kiện tới cùng”.
Đối với người tiêu dùng khi mua phải hàng gian, hàng giả, việc đi khiếu nại thật không dễ vì sự hiểu biết của phần lớn người mua không rành các quy tắc về thương mại, khi mua hàng lại không chọn kỹ giá trị, xuất xứ của món hàng và không yêu cầu cụ thể bằng văn bản về trách nhiệm của bên bán hàng dẫn đến khó đòi quyền lợi. Không chỉ có người tiêu dùng e dè đấu tranh với quyền lợi của mình, mà ngay cả các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối… dường như cũng đành buông xuôi khi lợi ích bị xâm phạm. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn quận Liên Chiểu bức xúc cho rằng: “Biết sản phẩm của mình bị làm nhái nhãn mác, kiểu dáng… xuất hiện trên thị trường nhưng cũng đành bó tay”. Theo doanh nghiệp này, việc khiếu kiện đối với một sản phẩm bị xâm phạm sở hữu trí tuệ mất rất nhiều thời gian, thậm chí đến hàng năm mà chưa có kết quả, trong khi các đối tượng vi phạm kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của người khác lại bị xử lý còn nhẹ nên doanh nghiệp nản, bỏ cuộc.
Ông Lữ Bằng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng, cho biết: Trong thời gian qua, Hội đã có nhiều cố gắng để tổ chức các hội nghị, hội thảo, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, in và phát hành hàng trăm bộ tài liệu hướng dẫn việc bảo vệ người tiêu dùng và trình tự thủ tục tham gia khiếu kiện cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, những khó khăn về phương tiện trang thiết bị cần thiết phục vụ kỹ thuật nghiệp vụ cũng như kinh phí khiến Hội hoạt động chưa đủ mạnh. Cũng theo ông Bằng, thành phố nên bố trí văn phòng tư vấn người tiêu dùng tại trung tâm thành phố và một số quận để người dân tiện nắm bắt thông tin và được tư vấn cụ thể.
HQ_Theo Người tiêu dùng